Cách xác định chi phí quản lý dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia

Bà Thanh Loan (Cà Mau) hỏi, đối với việc lập dự toán xây dựng công trình mới trên địa bàn xã thì khi nào phải áp dụng hệ số định mức chi phí quản lý dự án, chi phí lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật, chi phí giám sát,... theo Thông tư số 13/2019/TT-BXD?

Bà Loan cũng muốn biết, có phải đối với những công trình sử dụng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới thì mới áp dụng Thông tư 13/2019/TT-BXD chỉ áp dụng, còn những công trình sử dụng nguồn vốn khác như ngân sách, đầu tư công... thì sử dụng hệ số theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD hay không?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Thông tư số 13/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật hoặc hồ sơ xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 2/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thay thế Nghị định số 161/2016/NĐ-CP.

Việc quản lý chi phí các dự án, công trình xây dựng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, pháp luật có liên quan phù hợp với đặc thù về tính chất và điều kiện thực hiện công trình thuộc Chương trình.

Do đó, bà căn cứ vào thời điểm lập dự án để áp dụng các quy định pháp luật xây dựng về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho phù hợp.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/cach-xac-dinh-chi-phi-quan-ly-du-an-thuoc-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-102230126153710827.htm