Cách xử lý an toàn khi bị chó tấn công
Khi chó đã tấn công, nên đứng thẳng như cái cây, hoặc nằm như khúc gỗ (tay nhớ che những bộ phận quan trọng), nắm tay lại không để chó cắn các ngón tay…
Nhận diện chó chuẩn bị tấn công
Liên tiếp các trường hợp chó tấn công người gần đây khiến cộng đồng không khỏi lo lắng. Ngày 19/2, một nam du khách 19 tuổi đi bộ cùng bạn trên đường 23 tháng 10, xã Vĩnh Hiệp (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Đến đoạn dưới chân cầu vượt nút giao Ngọc Hội, hai người bị con chó nặng khoảng 20 kg lao đến tấn công. Nam du khách bị chó cắn vào tay và chân, ngã ra đường, kêu cứu. Người bạn đi cùng ra sức chống trả cũng bị chó tấn công.
Hai khách nước ngoài được người dân đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Nam du khách bị hai vết thương dài 8 cm và 10 cm ở tay phải, đứt cơ nhị đầu cánh tay phải, một số xây xát ở tay trái, đùi chân phải... Sau khi phẫu thuật và khâu vết thương, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được chuyển sang Trung tâm Chấn thương chỉnh hình.
Trước đó khoảng 17h ngày 18/2, nam sinh viên của Trường Cao đẳng Lào Cai chạy bộ thể dục tại Khu đô thị Dragon, phường Bắc Cường, TP.Lào Cai thì bị 2 con chó loại to, hung dữ tấn công trong nhiều phút. Rất may thời điểm đó có người dân đi qua phát hiện, cứu giúp và đưa em đi cấp cứu.
Nạn nhân là em Hoàng V. (16 tuổi), dân tộc Mông, trú tại thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai). Em V. là sinh viên Khoa Kinh tế - Du lịch, Trường Cao đẳng Lào Cai. V. mới nhập học vài tháng. 2 con chó hung dữ trên là của chủ quán cơm hiện thuê bán hàng tại ki-ốt Trường Cao đẳng Lào Cai, phường Bắc Cường, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Làm thế nào để nhận biết chó chuẩn bị tấn công? Theo huấn luyện viên dạy chó tại nhà Đồng Minh Toàn, các vụ tấn công liên quan đến chó thường chia thành 2 giai đoạn trước và sau khi tấn công.
Có thể nhận biết các dấu hiệu trước khi bị chó tấn công. Nếu thấy chó có các hành vi như nhe răng, gầm gừ hoặc xù lông cổ, quặp đuôi vào bụng, mắt nhìn không bình thường (trợn mắt hoặc lấm lét nhìn) thì người đối diện phản cảnh giác bởi đây chính là các dấu hiệu chó chuẩn bị tấn công.
Đặc biệt cảnh giác, chú ý cao độ nếu bắt gặp pitbull (và các loài chó to) thả rông, không rọ mõm xuất hiện tại nơi bạn đi qua. Nếu chó gầm gừ, nhìn chằm chằm và bắt đầu sấn lại gần, cần giữ bình tĩnh. Kiếm một vật khiến bạn trông cao lớn hơn như áo khoác, bạt, gậy gộc... rồi hướng ra trước mặt. Khi đó, cần duy trì tư thế phòng thủ và từ từ lùi lại tạo khoảng cách. Tuyệt đối không quay lưng bỏ chạy, điều này sẽ kích hoạt bản năng săn đuổi ở chó, khiến chúng lao tới tấn công bạn ngay lập tức.
Để hạn chế trường hợp chó tấn công, anh Toàn cho biết với những giống chó săn có bản tính hung dữ, người chủ phải trang bị rọ mõm và xích lại để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nếu trong trường hợp chó tấn công người, người giải cứu có thể giữ chân 2 chân sau của con chó thật chắc rồi giật, vật chó lại ra đằng sau để chó bị hoảng và không tấn công người nữa.
Tự bảo vệ khi bị chó tấn công
Trong trường hợp con chó vẫn lao tới tấn công, quật ngã bạn - bộ phận mà chúng sẽ nhắm vào trước tiên là mặt và cổ nạn nhân. Trong tình huống này phải thật bình tĩnh, không được hoảng loạn, quan sát nhanh chó và xung quanh tìm vật hoặc người hỗ trợ. Hãy làm mọi cách để che đầu và cổ cũng như ra sức đạp vào cổ chó, la lớn kiếm tìm sự giúp đỡ.
Tuyệt đối không bỏ chạy, không vừa chạy vừa ngoái lại nhìn, không nhìn vào mắt chó, đánh lạc hướng chó bằng các vật khác (ném thức ăn, đồ chơi, chai lọ nhựa… ra xa để chó đuổi theo) và di chuyển chậm ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS Việt Nam, điều đầu tiên là phải hết sức bình tĩnh, không nên hoảng sợ mà bỏ chạy, vì chó có tập tính săn mồi nên càng bỏ chạy càng kích thích tập tính của chó.
"Trường hợp bỏ chạy áp dụng nếu khi trên tay mình có áo khoác hoặc đồ ăn, nếu là áo thì cố gắng tìm cách che đầu chó lại, nếu là đồ ăn thì vứt ra chỗ khác để đánh lạc hướng. Trong thời gian đó bạn có thể chạy đi" - ông Hà nói.
Lưu ý thứ hai, khi bị tấn công thì cần một tay che phần cổ, một tay che bộ phận sinh dục, đồng thời hai bàn tay nắm chặt và đứng nguyên. Phần cổ là nơi tập trung nhiều động mạch và tĩnh mạch chính nên rất dễ bị tổn thương. Nếu trong trường hợp khi đang chạy mà bị ngã thì phải nằm úp xuống, hai tay nắm chặt che gáy, như thế độ sát thương khi bị chó cắn sẽ giảm đi.
Nếu lỡ đã bị chó cắn thì cần cố gắng chịu đựng nằm yên vì chúng có thể chỉ cắn một đến hai cái rồi bỏ đi, nếu càng chống cự chúng sẽ càng cắn mạnh và hung hăng. Thậm chí nếu chống cự khi bị chó cắn có thể sẽ làm cho vết thương nghiêm trọng hơn.
Các chuyên gia đều cho rằng điều quan trọng nhất sau khi bị chó cắn là làm sạch vết thương, dùng bông và nước sạch nhẹ nhàng rửa để vệ sinh ban đầu vết cắn. Tiếp đó dùng thuốc sát trùng để làm sạch vết thương, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn y tế hoặc nước ôxy già để loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định.
Sau khi rửa sạch vết thương, nên dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công. Trường hợp vết thương lớn quá thì cần phải đến ngay bệnh viện để được xử lý và tiêm phòng dại.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-xu-ly-an-toan-khi-bi-cho-tan-cong-169230221154918648.htm