Cách xử lý khi bỗng dưng bị... đòi nợ

Thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều người tuy không vay nợ nhưng vẫn bị gọi điện, nhắn tin đe dọa phải trả khoản tiền mà các đối tượng đòi nợ cho rằng người bị gọi điện có nợ hoặc do người thân, thậm chí bạn bè, đồng nghiệp vay nợ.

Chị Ngô Minh Hương ở TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) chia sẻ: “Vừa qua, tôi bị nhiều số điện thoại thường xuyên gọi điện, nhắn tin đe dọa vào lúc nghỉ trưa, nửa đêm để đòi khoản nợ của một người thân. Mỗi ngày họ gọi hàng chục cuộc điện thoại, chặn số này thì lại có số khác gọi đến. Sau khi xác minh, tôi thấy khoản nợ này không có thực nên đã nhắn tin nói rõ, nhưng đối tượng khẳng định có khoản nợ đó và tiếp tục làm phiền, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của tôi”.

 Tin nhắn đe dọa yêu cầu trả nợ gửi đến chị Ngô Minh Hương.

Tin nhắn đe dọa yêu cầu trả nợ gửi đến chị Ngô Minh Hương.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người bị lộ thông tin hoặc mất giấy tờ cá nhân, từ đó, các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi cầm cố, vay tiền. Cũng có trường hợp người bị đòi nợ vô tình sử dụng lại số điện thoại mà chủ sở hữu trước có khoản nợ chưa trả, hoặc do các đối tượng xấu "khủng bố điện thoại" nhằm tạo áp lực để buộc người thân, bạn bè phải trả khoản nợ. Ngoài gọi điện, nhắn tin, các đối tượng đòi nợ còn sử dụng thủ đoạn đăng hình ảnh của nạn nhân và người thân, bạn bè lên mạng xã hội kèm lời lẽ bôi nhọ danh dự, nhân phẩm...

Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy, quan hệ vay tiền chỉ hình thành khi có sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay về việc vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất. Trong trường hợp không vay thì không có nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, khi vô cớ bị gọi điện đòi nợ, nạn nhân có thể yêu cầu bên đòi nợ xuất trình các chứng từ liên quan đến giao dịch vay, đồng thời lưu lại những cuộc gọi, tin nhắn, những hình ảnh, lời lẽ bôi nhọ... và trình báo với cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý. Để đề phòng việc không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ, mỗi người cần hết sức cảnh giác, bảo mật tốt thông tin cá nhân.

NGUYỄN HÀ PHƯƠNG (Ba Đình, Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/cach-xu-ly-khi-bong-dung-bi-doi-no-698736