CAEXPO 2022 tăng cường sử dụng 'đám mây' để đẩy mạnh hoạt động kinh tế, thương mại
Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 19 (CAEXPO 2022) và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư Trung Quốc-ASEAN sẽ được tổ chức tại Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 9.
Hội chợ CAEXPO lần thứ 19 năm nay lần đầu tiên sẽ dành một số phần giới thiệu nổi bật về các loại phương tiện sử dụng năng lượng mới, văn hóa và du lịch, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử xuyên biên giới, được tổ chức theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo Ban tổ chức CAEXPO lần thứ 19, “CAEXPO đám mây” được tập trung xây dựng với các chức năng “trưng bày đám mây”, “đàm phán đám mây” và “hội nghị đám mây”... Theo đó, doanh nghiệp gửi hàng mẫu trưng bày trực tiếp tại Hội chợ và thực hiện kết nối giao thương trực tuyến với khách hàng thông qua nền tảng giao dịch ứng dụng công nghệ thông tin do Ban tổ chức lắp đặt.
Lấy hoạt động trực tuyến làm trọng tâm, Ban tổ chức cũng lên kế hoạch cho các hoạt động kinh tế và thương mại trong suốt cả năm, như Lễ hội sầu riêng, Lễ hội cà phê, Lễ hội đặc sản chất lượng cao nổi tiếng Quảng Tây... Như vậy, một loạt các cuộc triển lãm chuyên ngành của CAEXPO sẽ được tổ chức trong cả năm thay vì chỉ trong thời gian diễn ra Hội chợ.
Ông Zhang Shaogang, Phó Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc, cho biết, ba sự kiện chính sẽ được tổ chức trong hội nghị thượng đỉnh, bao gồm cuộc Đối thoại bàn tròn giữa lãnh đạo nhà nước Malaysia và CEO của các doanh nghiệp Trung Quốc về các chủ đề như năng lượng, tài chính, cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, thông tin điện tử; Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc-ASEAN và đối thoại đặc biệt về hợp tác RCEP; Diễn đàn hợp tác về luật thương mại Trung Quốc-ASEAN.
Tại CAEXPO 2022, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức 20 gian hàng của Việt Nam, trưng bày sản phẩm thuộc các ngành hàng nông - thủy sản, đồ uống, thực phẩm chế biến... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động xuất khẩu, tham gia vào các kênh phân phối mới tại Trung Quốc hiện đang bị gián đoạn, mất nguồn cung
CAEXPO lần thứ 18 năm 2021, Việt Nam tham gia với hơn 200 đơn vị là chi nhánh, đối tác của doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc. Các sản phẩm của Việt Nam có sức cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc và ASEAN gồm nông lâm thủy sản và thực phẩm chế biến, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, đầu tư, du lịch và dịch vụ thương mại...
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 13 năm liên tiếp. Trong 7 tháng đầu năm nay, thương mại hai chiều đã tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 544,9 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc trong thời kỳ này.
Tính đến cuối tháng 7, đầu tư song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đã vượt 340 tỷ USD, trong khi doanh thu của các doanh nghiệp Trung Quốc từ các hợp đồng dự án tại các nước ASEAN vượt 380 tỷ USD.
Theo CCTV vừa đưa tin ngày 3/9, sau 9 tháng đi vào hoạt động, tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào đã vận chuyển lượng hàng hóa quốc tế trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,45 tỷ USD) với hơn 2.000 chủng loại hàng hóa, bao gồm các loại hàng hóa nói chung và tấm quang điện.
Hội chợ thương mại Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) được khởi xướng và tổ chức thường niên từ năm 2004 đã trở thành một trong những hoạt động hợp tác đa phương giữa ASEAN và Trung Quốc, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.