Cái bắt tay nồng ấm giữa điện ảnh với văn học
Trước khi có dịch COVID-19, mỗi năm điện ảnh Việt có khoảng 40 tác phẩm ra rạp.
Thực tế cho thấy, do thiếu kịch bản chất lượng nên các nhà làm phim thường Việt hóa kịch bản mua từ nước ngoài (phim remake). Tuy nhiên, phim remake khiến điện ảnh Việt Nam mất đi bản sắc, thiếu dấu ấn.
Trong lúc khan hiếm kịch bản hay, nhiều nhà làm phim đã nhanh trí tìm về kho tàng văn học, đặc biệt là tiểu thuyết, truyện dài. Giới trong nghề cho rằng, các tác phẩm văn học thể loại này có sự hấp dẫn của câu chuyện được kể trong tác phẩm, mang đậm hơi thở cuộc sống, hơi thở thời đại với những bài học về ý nghĩa nhân sinh. Đó chính là cái gốc để ê-kíp sáng tạo dựa vào và thực hiện những bộ phim có giá trị.
Cảnh trong phim Cơn giông chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Văn Thảo.
Mới đây, Hãng phim Giải phóng cho biết, tiểu thuyết Cơn giông (Trần Ngọc Phong đạo diễn) của cố nhà văn Lê Văn Thảo được chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh cùng tên. Dự kiến vào tháng 9/2021, Cơn giông sẽ tham dự Liên hoan phim Việt Nam 2021. Theo đạo diễn Trần Ngọc Phong, sau khi chuyển thể lên màn ảnh rộng thì chuyện phim Cơn giông sẽ có thêm một số tình tiết, nhân vật mới so với tác phẩm văn học. Tuy nhiên phim vẫn được dàn dựng trên cơ sở tôn trọng nguyên tác.
Cơn giông lấy bối cảnh những năm đầu thập niên 80, một cậu bé tên Bằng bỗng dưng trở thành trẻ mồ côi sau khi cả gia đình bị chết trong một cơn giông. Bằng sau đó được một lão già ham cờ bạc nhặt được và nhận làm con nuôi. Sóng gió liên tiếp ập đến cuộc đời cậu bé, từ những năm tháng tuổi thơ cơ cực đến khi trưởng thành lập gia đình, Bằng bị đồng tiền tha hóa và trở thành kẻ ham chơi, ham nhậu nhẹt, đàn đúm, vào tù ra tội. Sau cùng, nhân vật này cũng trở thành một con người hoàn toàn khác khi gặp được những tình cảm chân chất, mộc mạc của người dân đất Mũi.
Trước đó, nhiều phim làm từ tiểu thuyết đã được khán giả đón nhận và yêu thích. Điển hình như phim Hương Ga của đạo diễn Cường Ngô chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Phiên bản (nhà văn Nguyễn Đình Tú). Trên màn ảnh rộng, khán giả được chứng kiến những cảnh hành động bắt mắt, nội dung phim gây cấn và cao trào khi Cường Ngô khai thác cuộc đời nữ tội phạm khét tiếng có thực ngoài đời. Sau khi công chiếu ở Việt Nam, phim Hương Ga được công chiếu ở nhiều nước trên thế giới, tham gia các liên hoan phim quốc tế, giành giải thưởng lớn Phim Việt Nam hay nhất tại LHP Quốc tế ý tưởng mới San Francisco tại Mỹ.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình gây ấn tượng với Cánh đồng bất tận làm từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Phim này gần như giữ nguyên tác văn học, chuyện về cuộc sống lênh đênh sông nước “theo vịt chạy đồng” của 3 cha con ông Tư và 2 đứa trẻ Điền, Nương thiếu vắng tình thương của người mẹ và cuộc đời của người phụ nữ tên Sương. Những mảnh đời không lành lặn trôi dạt nay đây mai đó theo con nước bị số phận run rủi gặp nhau, tưởng rằng đã có thể nương tựa lẫn nhau nhưng lại không thể ghép lại thành một gia đình trọn vẹn vì những mặc cảm cá nhân và trái ngang của số phận. Nội dung gây xúc động, những khung hình đẹp như tranh và diễn xuất nhuần nhuyễn của dàn diễn viên chính, Cánh đồng bất tận là một thành công lớn của điện ảnh Việt Nam.
Hoặc thời gian gần đây, các tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường xuyên được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Nổi bật trong số này có Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc đã tạo tiếng vang lớn, gây sốt với khán giả trẻ và đạt doanh thu “khủng”.
Rõ ràng, trong tình hình thiếu vắng ý tưởng kịch bản như hiện nay, việc chuyển thể tiểu thuyết lên màn ảnh rộng đã đem đến những hiệu quả tích cực. Chính cái bắt tay nồng ấm giữa tiểu thuyết - điện ảnh đã mang đến thành công cho cả tác phẩm văn học và bộ phim đó, đem đến nhiều cảm xúc cho công chúng.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cai-bat-tay-nong-am-giua-dien-anh-voi-van-hoc-n193273.html