Cải cách điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động
Hội thảo nhằm đề xuất kiến nghị các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngày 4/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Refrom) tổ chức hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động: Một số vấn đề và yêu cầu cải cách”.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên viện trưởng CIEM cho hay, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng một số quy định và thực thi về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động; trao đổi những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định, thủ tục liên quan tới an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, đề xuất kiến nghị các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, cải cách điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động chủ yếu dưới hình thức giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất, nhưng còn ít cắt bỏ quy định về điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, theo bà Thảo, điều kiện kinh doanh còn thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Dẫn chứng sự bất cập trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động), bà Thảo cho rằng, trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì nay phải xin giấy phép của 10 Bộ với cùng một nội dung công việc.
“Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các Bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ; chi phí đào tạo doanh nghiệp phải trả phí chính thức khoảng 10 triệu đồng/người. Từ những bất cập trên cho thấy thực thi thiếu minh bạch”, bà Thảo nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, từ góc nhìn doanh nghiệp phản ánh cho thấy, danh mục hàng phải kiểm định quá nhiều. Do vậy, chỉ nên tập trung kiểm định đối với hàng hóa có nguy cơ mất an toàn cao và sử dụng dành cho mục đích công cộng. Theo đó, cần loại bỏ các thiết bị áp lực thể tích và áp suất nhỏ, các thiết bị nâng công suất nhỏ, các thiết bị sử dụng nội bộ, không dành cho cộng đồng. Từ đó, rà soát danh mục hàng hóa tiến tới cắt giảm.
"Bên cạnh đó, việc phân chia thẩm quyền còn chồng chéo. Đó là tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP chia phạm vi quản lý hàng hóa của các bộ có tới 9 Bộ cùng phụ trách, mỗi bộ vài mặt hàng. Hay sự chồng chéo do một mặt hàng thuộc thẩm quyền của nhiều bộ. Ví dụ như: bình khí nén ở nhà máy này thì do Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý trong khi cũng cái hình khí nén đó sang nhà máy khác lại do Bộ Công Thương quản lý”, ông Tuấn dẫn chứng.
Ông Tuấn cũng chỉ ra những bất cập trong kiểm định trùng lặp, nhiều mặt hàng thiếu quy chuẩn kỹ thuật. Quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kiểm định bất hợp lý; giá sàn dịch vụ kiểm định; tổ chức bộ phận y tế trong doanh nghiệp… Do vậy, ông Tuấn kiến nghị, danh mục phải đi kèm với quy chuẩn kỹ thuật và quy trình kiểm tra tương ứng; công tác lấy ý kiến khi xây dựng quy chuẩn, quy trình kiểm định phải được làm kỹ lưỡng và bãi bỏ giá sàn dịch vụ. Đồng thời, cần miễn cho các cơ sở có quy mô nhỏ và ngành nghề nguy cơ thấp như: văn phòng, thương mại, dịch vụ phổ thông.
Ông Nguyễn Minh Quân, Công ty cổ phần Kiểm định kỹ thuật an toàn Quốc gia (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, qua quá trình thực hiện thực tế của doanh nghiệp cho thấy, các vấn đề kiểm định chúng ta cần phải xem lại. “Miếng bánh về kiểm định chia đều cho các bộ ngành quản lý, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp. Do vậy, cần phải có sự thay đổi, xem lại để tạo sự chuẩn hóa về mặt quy chuẩn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi và phát triển”, ông Quân nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Thành, Trưởng phòng quản lý an toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, những điều bất cập mà các ý kiến tại hội thảo nêu là một thực tế, có rất nhiều điều vô lý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang sửa đổi các quy định. Tuy nhiên, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng không nhận được đề xuất sửa đổi của các Bộ liên quan.
Về những bất cập này, TS. Nguyễn Đình Cung cho hay, quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm được cải cách trong lĩnh vực lao động, thậm chí có những lĩnh vực là “ cải lùi”, nhiều văn bản mới được ban hành gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động thực hiện hình thức, gây tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Do vậy, trong thời gian tới cần phải tiếp tục bãi bỏ, cải cách thực chất về quy định về điều kiện kinh doanh. Đồng thời, thống nhất đầu mối quản lý về an toàn lao động; cắt giảm danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra an toàn lao động đối với hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn trước khi đưa vào vận hành, lưu thông thay vì trước thông quan; cải cách các quy định và thực thi về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. /.