Cải cách điều kiện kinh doanh ở lĩnh vực lao động: 'Một cổ mười tròng'

Trước đây, doanh nghiệp chỉ cần xin cấp phép về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động tại đầu mối là Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội, tuy nhiên sau cải cách họ sẽ phải xin giấy phép của 10 bộ.

(Ảnh minh họa/TTXVN)

(Ảnh minh họa/TTXVN)

Thời gian qua, hoạt động cải cách đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực lao động chủ yếu là thực hiện giảm về mức độ yêu cầu số lượng nhân sự hoặc quy mô diện tích cơ sở vật chất, còn các quy định về điều kiện kinh doanh thực chất là ít cắt bỏ. Thậm chí, nhiều nội dung bất cập còn tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp.

Thông tin này được bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động: Một số vấn đề và yêu cầu cải cách,” do CIEM tổ chức, trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Thêm giấy phép "con", giảm tính minh bạch

Một điểm "nghẽn" được các diễn giả nêu ra là tình trạng phân quyền quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp hơn so với trước kia.

Cụ thể, tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, nếu trước đây các doanh nghiệp chỉ cần xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội, thì nay họ sẽ phải xin giấy phép của 10 bộ với cùng một nội dung công việc trên.

Đó là chưa kể, trong nhiều trường hợp các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động thì giống nhau nhưng các bộ lại không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Điều này khiến doanh nghiệp sẽ phải trả phí đào tạo chính thức lên khoảng 10 triệu đồng/người.

“Việc phân quyền quản lý Nhà nước như trên dẫn đến việc thực thi quản lý trở nên thiếu minh bạch,” bà Thảo nói.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu hàng loạt các dẫn chứng khác về việc phân quyền quản lý, như đối với các thiết bị nâng áp dụng cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng: Thẩm quyền của Bộ Xây dựng là cần trục tháp, Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội là các cầu trục còn lại và Bộ Giao thông Vận tải sẽ quản lý khi các phương tiện, thiết bị này dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy.

Với máy điều hòa nhiệt độ cũng vậy, các máy có công suất nhỏ hơn 90.000 BTU thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, máy điều hòa nhiệt độ công suất lớn hơn 90.000 BTU lại do Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội quản lý và yêu cầu kiểm tra chất lượng trước thông quan...

Chồng chất danh mục kiểm định

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay nhiều doanh nghiệp còn phàn nàn về việc các danh mục mặt hàng phải kiểm định hiện quá nhiều cộng thêm những bất cập về kiểm định trùng lặp, như trường hợp đã kiểm định khi nhập khẩu (hoặc sản xuất) lại còn kiểm định khi lắp đặt, đưa vào sử dụng.

Ông Tuấn lấy ví dụ, một chiếc thang máy khi mới nhập khẩu, chưa lắp ráp sẽ phải kiểm định và việc thực hiện kiểm định là rất khó. Đến khi lắp ráp xong lại phải thực hiện kiểm định thêm một lần nữa với nội dung trùng lặp như trên. Các vấn đề tương tự cũng đang xảy ra với hàng hóa khác như cẩu tháp, cáp treo, máng trượt…

“Ngoài ra, việc kiểm định trước khi thông quan cũng diễn ra rất nhiều, điều này gây khó khăn, tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp. Do vậy, cần có sự phân định rõ các mặt hàng kiểm tra khi nhập khẩu, xuất xưởng hoặc kiểm tra khi lắp đặt, sử dụng,” ông Tuấn kiến nghị.

Thêm một vấn đề nữa được các đại biểu chỉ ra, đó là quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kiểm hiện còn nhiều bất hợp lý.

Cụ thể, quy định phải kiểm định mặt trong bình khí nén song không ai có thể chui vào bên trong bồn khí gas để kiểm tra mặt trong của nó được cũng như việc kiểm định điều hòa tổng cho tòa nhà yêu cầu phải rút toàn bộ dung môi ra. Và, để làm đúng phương pháp thì tòa nhà phải tắt điều hòa, thông gió từ 3 đến 5 ngày, khiến chi phí doanh nghiệp phải trả là rất lớn.

Với những vấn đề bất cập nêu trên, bà Thảo đề xuất kiến nghị, các cấp quản lý cần phải bãi bỏ, cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách cần có sự thống nhất đầu mối quản lý về an toàn lao động.

“Cụ thể, cắt giảm danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần phải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng,” bà Thảo nhấn mạnh./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cai-cach-dieu-kien-kinh-doanh-o-linh-vuc-lao-dong-mot-co-muoi-trong/611176.vnp