Cải cách hành chính - hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) được UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Bộ phận một cửa UBND huyện Lương Sơn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục hành chính.

Bộ phận một cửa UBND huyện Lương Sơn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục hành chính.

Trong 10 năm (2011 - 2020), toàn tỉnh đã tiến hành 2.314 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về thực hiện chính sách, pháp luật trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật; chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong công tác quản lý, điều hành; các kết luận, kiến nghị thanh tra được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chấp hành, tổ chức thực hiện kịp thời. Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định công bố 8.796 lượt thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, trong đó: ban hành mới và sửa đổi, bổ sung 5.707 thủ tục; hủy bỏ, bãi bỏ 3.089 thủ tục. Qua rà soát đã có 208 TTHC được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thông qua phương án đơn giản hóa. Từ năm 2011 đến hết tháng 3/2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 4.223.825 hồ sơ TTHC, giải quyết đúng hạn 4.222.235 hồ sơ, giải quyết quá hạn 1.590 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,96%.

Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là một trong những nội dung được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Từ năm 2015 - 2019 đã sắp xếp lại, giảm 248 đơn vị sự nghiệp công lập, từ 885 đơn vị còn 637 đơn vị. Đối với đơn vị hành chính, sau khi sắp xếp, tổ chức lại, từ ngày 1/1/2020, tỉnh giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 59 đơn vị hành chính cấp xã, còn 9 huyện, 1 thành phố và 151 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ đơn vị hành chính cấp xã giảm so với trước đây đạt 28,1% và là địa phương có tỷ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã cao nhất so với các địa phương khác trong cả nước. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 1.053 người; tính đến ngày 30/4/2020 đã giảm 297 người. Theo lộ trình, đến hết năm 2024 sẽ giảm 756 người; giảm khoảng 266 tỷ đồng/năm kinh phí chi thường xuyên.

Công tác cán bộ luôn được chú trọng, việc đề bạt, giới thiệu ứng cử, quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo các cấp được thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và phân cấp của tỉnh, đảm bảo về trình tự, thủ tục, công khai, dân chủ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Toàn tỉnh đã mở được 961 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 76.036 lượt học viên; trong đó có 55 lớp đào tạo lý luận chính trị, 21 lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo quản lý, 28 lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, 129 lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, 728 lớp bồi dưỡng theo vị trí việc làm; cử đi đào tạo 38 tiến sĩ và tương đương, 383 thạc sĩ và tương đương.

Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được siết chặt, thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 23/5/2014 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa công sở. Xác định ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước, cung cấp các dịch vụ công là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử, xã hội văn minh. Các cơ quan, đơn vị đều bố trí công chức, viên chức có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu. Hàng năm, UBND tỉnh đã tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ chính quyền điện tử của các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin thành một tiêu chí đánh giá trong Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị.

Một số lĩnh vực CCHC được các cấp, ngành triển khai thực hiện tích cực, đạt hiệu quả cao như: Thành lập được Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; xây dựng bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện, cấp xã; xây dựng Cổng dịch vụ công của tỉnh và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn theo quy định đã được khắc phục gần như tuyệt đối so với trước đây...

Do có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, hầu hết các nhiệm vụ trong Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh đều đạt và vượt so với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/151915/cai-cach-hanh-chinh-huong-toi-su-hai-long-cua-nguoi-dan-va-doanh-nghiep.htm