Cải cách hành chính: Không nên tinh giản biên chế cấp xã
Cán bộ, công chức cấp xã đang chịu quá nhiều áp lực phục vụ nhân dân song chưa được quan tâm đúng mức.
Sáng 30-11, tại TP.HCM, Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030”.
Còn nhũng nhiễu, phiền hà và tiêu cực
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ CCHC Phạm Minh Hùng cho rằng việc triển khai chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Việc xây dựng chính phủ điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp được nâng cao.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận tốc độ cải cách còn chậm, chưa đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và mục tiêu đề ra. Cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thật sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà và phức tạp.
Đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi còn yếu. Một số cán bộ, công chức khi giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp chưa làm hết trách nhiệm, có lúc có nơi còn có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà và tiêu cực. Tình trạng trễ hạn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng…
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, ông Hùng cho biết đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó đáng chú ý là việc tinh giản biên chế công chức đã đạt kết quả bước đầu. Tính đến hết tháng 3-2020, các bộ, ngành trung ương giảm 10.284 người so với số giao năm 2015, các địa phương giảm 13.612 người.
Vấn đề lớn nhất của CCHC là chúng ta chưa có đội ngũ hành chính - công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi. Do đó, trước mắt cần tổ chức thi tuyển quốc gia để lựa chọn những người thật sự tài giỏi vào công vụ.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội
Cấp xã cần thêm biên chế thì lại giảm
Góp ý tại hội thảo về vấn đề nhân sự công vụ, bà Đỗ Thanh Huyền, đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), cho rằng chính bà đã trải nghiệm và nhận thấy tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của nhiều cán bộ, công chức vẫn xảy ra. “Không phải chỉ ở một số nhỏ, mà còn khá phổ biến” - bà Huyền khẳng định.
Đối với việc tinh giản biên chế, theo bà Huyền, hiện nay chủ yếu thực hiện ở cấp cơ sở trong khi đây là nơi cần thêm biên chế, nhất là ở những nơi đông dân cư. Do đó, bà Huyền đề nghị cần địa phương hóa nhu cầu biên chế công vụ để tránh tình trạng nơi cần thì thiếu, tránh dàn đều biên chế cấp xã mà tổ chức biên chế theo điều kiện của từng địa phương. Tinh giản biên chế cần tập trung vào cấp trung gian (cấp huyện) và cấp tỉnh, không nên tinh giản ở cấp xã bởi cấp xã phải xử lý nhiều công việc liên quan tới người dân.
Lấy dẫn chứng từ thực tế nhiều xã, phường ở TP.HCM, bà Huyền cho rằng nhiều xã, phường ở đây có dân số bằng một huyện ở các địa phương khác, cán bộ phải làm tới 21 giờ mới hết việc. Cán bộ, công chức cấp xã đang chịu quá nhiều áp lực phục vụ nhân dân song chưa được quan tâm đúng mức. “Qua nhiều cuộc trao đổi với công chức làm lãnh đạo xã, phường, thị trấn thông qua các cuộc chia sẻ kết quả chỉ số PAPI, tôi thấy rằng không phải vì trình độ nhận thức của công chức cấp này thấp, mà chủ yếu do họ không được cung cấp thông tin kịp thời, không được tập huấn bài bản. Rất nhiều chỉ đạo, điều hành của cấp tỉnh chuyển về cơ sở không đến tay họ” - bà Huyền nói.
Cũng liên quan đến cán bộ cấp xã, bà Huyền cho rằng trên thực tế công tác tuyển dụng công chức theo kiểu vị thân vẫn còn phổ biến. Do đó, cần nhìn nhận vấn đề này một cách thấu đáo để có thể xây dựng đội ngũ công chức có trình độ, liêm chính ngay từ cấp xã, từ ngạch bậc thấp nhất.
Ý kiến này của bà Đỗ Thanh Huyền được nhiều đại biểu đồng tình. Ông Tạ Quang Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc cắt giảm nhân sự cấp xã có thể giảm được nhiều cán bộ không chuyên trách nhưng lại không có cơ chế giảm. Trong khi đó, những xã đô thị hóa cần nhiều cán bộ thì cũng không có cơ chế để đảm bảo nhân sự làm việc.
Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ hành chính công
Gửi bài tham luận đến hội thảo, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng CCHC phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước.
Theo ông Dĩnh, Nhà nước cần tập trung làm nhiệm vụ lớn là xây dựng thể chế, pháp luật, hoạch định chính sách, tạo cơ chế và hành lang pháp lý, sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp và người dân hoạt động… chứ Nhà nước không nên trực tiếp làm kinh tế. Do đó cần tổ chức lại bộ máy nhà nước cho phù hợp, gọn nhẹ để thực hiện chức năng kiến tạo phát triển, đặc biệt phải bỏ nhanh các thủ tục hành chính không cần thiết. Phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tự chủ, tự quản chính quyền địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa, kể cả các dịch vụ hành chính công, chuyển giao mạnh cho thị trường và xã hội thực hiện.
Ngoài ra, ông Dĩnh cũng cho rằng cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao cho nền hành chính kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính, phục vụ của chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.