Cải cách hành chính ngành ngân hàng: Đóng góp lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh
Công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành Ngân hàng trong 10 năm qua luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, được Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu về cải cách và có những đóng góp hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt giai đoạn 5 năm 2016-2020.
Ngày 05/12/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định, CCHC đã tạo sự chuyển biến vượt bậc trong toàn ngành Ngân hàng, cả về nhận thức, hành động và đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước.
Với nhận thức về vị thế và vai trò trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng xác định cải cách là xu hướng tất yếu khách quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc duy trì trong điều hành kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn, các dịch vụ tiền tệ, thanh toán cho nền kinh tế cũng như nhanh chóng hội nhập và phát triển.
Thời gian qua, NHNN đã lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn. CCHC đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
Về triển khai các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng (TTTD) góp phần cải thiện xếp hạng “Chỉ số tiếp cận tín dụng”, NHNN đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD cả chiều rộng và chiều sâu. CIC đã mở rộng kết nối với toàn bộ các TCTD và gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, trên 50 tổ chức kinh tế và một số bộ, ngành để có thêm nguồn thông tin. Nhờ những nỗ lực của CIC trong việc mở rộng thu thập và cung cấp thông tin từ các doanh nghiệp bán lẻ, kết quả theo báo cáo Môi trường Kinh doanh của WB, giai đoạn 2016-2020, độ phủ TTTD công của Việt Nam tăng từ 41,5% năm 2016 lên 59,4% năm 2020, điểm chiều sâu TTTD tăng từ 7 lên 8/8 điểm, đạt điểm tối đa trong thang điểm đánh giá một hệ thống TTTD toàn diện.
Với những kết quả đạt được trong CCHC của ngành Ngân hàng, trong 7 năm xếp hạng chỉ số CCHC (PAR Index) của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, NHNN đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu trong số các Bộ, cơ quan Trung ương.
Bên cạnh đó, 10 năm qua, ngành Ngân hàng không chỉ đạt được những kết quả tích cực trên 6 lĩnh vực CCHC nhà nước mà còn tích cực thực hiện CCHC gắn với nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hệ thống các TCTD đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp để đổi mới công tác quản trị, điều hành, chuyển đổi mô hình tổ chức, thu gọn các bộ phận trung gian hướng tới mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm; tập trung tối đa nguồn lực nhân sự cho bộ phận kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm phi tín dụng điện tử có khả năng giao dịch thông qua các phương tiện điện tử, an toàn, bảo mật cao. Đặc biệt, các TCTD đã có nhiều cải tiến, đổi mới quy trình cho vay để đơn giản hóa thủ tục cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; cải tiến các quy trình nội bộ, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ trùng thừa, tối ưu hóa thời gian xử lý công việc nội bộ. Công khai trên trang tin điện tử ngân hàng toàn bộ các quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất. Nhiều TCTD đã tổ chức rà soát tổng thể mức phí dịch vụ, xây dựng lộ trình giảm phí tương ứng với giảm chi phí hoạt động và ứng dụng CNTT; thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và tự giám sát nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thiện cơ chế chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, công tác CCHC của NHNN giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai đồng bộ, bài bản và đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Qua 8 năm đánh giá Chỉ số CCHC (Par Index), có 5 năm liên tiếp gần đây, NHNN là cơ quan duy nhất liên tục xếp thứ nhất trong số 19 Bộ, cơ quan. Kết quả nổi bật này là minh chứng của sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Ngân hàng.
Ngành Ngân hàng đã căn bản hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về quản lý hoạt động ngân hàng, tiền tệ đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự phát triển của ngành Ngân hàng và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Điển hình như các thể chế, pháp luật về chuẩn mực an toàn trong hoạt động của hệ thống các TCTD, quản lý ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ, thị trường vàng... Nhờ đó, khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ được hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn của nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất - kinh doanh, khuyến khích phát triển nông nghiệp - nông thôn.
NHNN là một trong những cơ quan đi đầu trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngay từ giai đoạn triển khai Đề án 30, NHNN là cơ quan đầu tiên công bố Bộ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý, đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa 147/213 TTHC (đạt 70%). Từ năm 2018 đến nay, 29% điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa; đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí đối với doanh nghiệp và người dân. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục giải quyết công việc, ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị ngành Ngân hàng trong thời gian tới tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nhiệm vụ CCHC trọng tâm và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, bảo đảm ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường, thúc đẩy đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, kiến tạo môi trường kinh doanh.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những năm tới, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục coi công tác CCHC, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai kinh tế số và triển khai Chính phủ điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của đất nước. Căn cứ vào chủ trương, định hướng đó, NHNN đã xác định các nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện tốt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.