Cải cách hành chính ở Bộ Công Thương: Nhiều chuyển biến tích cực
Cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của Bộ Công Thương đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng 'chưa thể đột phá như thay một chiếc áo mới'…
Đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính
Theo báo cáo của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng ban Cải cách hành chính (CCHC) Bộ Công Thương, sau 2 lần tiến hành cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD), Bộ Công Thương trở thành một trong những Bộ đi đầu trong công tác xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) với việc rà soát, cắt giảm 880 ĐKKD; cắt giảm được 1051/1891 mã HS trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Bộ đã tích cực triển khai thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC và nghiêm túc triển khai việc đánh giá tác động các quy định về TTHC, việc đơn giản hóa TTHC được tiến hành hằng năm và theo lộ trình rõ ràng.
Những kết quả trên của Bộ Công Thương góp phần vào cải thiện Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo công bố của World Bank (trong 10 chỉ số chính, thì chỉ số tiếp cận điện năng tăng 129 bậc từ vị trí 156 lên vị trí 27, cải thiện vượt bậc về xếp hạng qua từng năm trong giai đoạn 2013 - 2019).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, công tác CCHC của Bộ đã có sự chuyển biến tích cực, vị trí xếp hạng chỉ số CCHC (Parindex) của Bộ liên tục có những bước tiến vượt bậc. Nếu năm 2016, Bộ đứng thứ 12/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ thì năm 2017 và năm 2018 đều có vị trí đứng thứ 5.
Đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ điện tử, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT và triển khai đạt được nhiều kết quả tích cực; đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến tại cổng thông tin điện tử của Bộ;
Đáng chú ý, Bộ Công Thương là một trong những Bộ tiên phong tích hợp dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tích hợp chế độ báo cáo với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; tích cực tham gia Cơ chế một cửa Quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Các chương trình, kế hoạch công tác nói chung và về CCHC nói riêng của Bộ được hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ; nhiều TTHC, điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết đã được xem xét bãi bỏ hoặc đơn giản hóa tối đa.
Để cải cách hành chính thực sự đột phá…
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn “bật mí”, trong các lần cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, Bộ Công Thương đã căn cứ trên các nguyên tắc như chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các ĐKKD; Việc xây dựng, thực hiện ĐKKD phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
Đặc biệt, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.
Các ĐKKD được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian vừa qua có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, được các chuyên gia, cộng đồng DN đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm…
Ông Sơn cũng cho biết, lãnh đạo Bộ đã nhiều lần khẳng định việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ về TTHC, ĐKKD luôn được quan tâm, được thực hiện một cách triệt để, khách quan, công tâm nhất, không phải vì lợi ích của Bộ Công Thương, ngành Công Thương mà là vì DN và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận người dân.
Tuy nhiên, ông Sơn cho hay. “theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc cắt giảm ĐKKD, đơn giản hóa TTHC một cách sâu rộng là nhu cầu chính đáng của DN nhưng cũng không thể đột phá như thay 1 chiếc áo mới, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - thương mại thay đổi từng ngày”.
Do đó, để việc CCHC thực sự trở thành một đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương mong muốn các hiệp hội và cộng đồng DN cần thống kê, lượng hóa hiệu quả của việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD gửi về Bộ để tổng hợp. Đồng thời tiếp tục kiến nghị điều chỉnh chính sách, đặc biệt là các quy định gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của DN để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.