Cải cách hành chính ở Hòa Bình - từ chạm nhỏ đến chuyển động lớn: Bài 4 - Kiến tạo hành chính, kết nối đầu tư

Hơn 1.000 dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình đã được tỉnh Hòa Bình tích hợp thành công trên Cổng DVC quốc gia. Nhưng con số ấy chỉ là phần nổi. Điều ẩn sâu, âm thầm mà bền bỉ là một tiến trình tái thiết thể chế hành chính từ gốc, bằng công nghệ, bằng con người và bằng chính sự thay đổi trong hành xử công quyền. Không còn rào cản thủ tục. Không còn

Hơn 1.000 dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình đã được tỉnh Hòa Bình tích hợp thành công trên Cổng DVC quốc gia. Nhưng con số ấy chỉ là phần nổi. Điều ẩn sâu, âm thầm mà bền bỉ là một tiến trình tái thiết thể chế hành chính từ gốc, bằng công nghệ, bằng con người và bằng chính sự thay đổi trong hành xử công quyền. Không còn rào cản thủ tục. Không còn "ngại” gặp cán bộ. Không còn những buổi đi lại mòn dép chỉ vì thiếu một dấu, một giấy. Khi nền hành chính trở nên thân thiện, minh bạch và hiệu quả, nó không chỉ tạo ra sự thuận tiện cho người dân, mà còn trở thành nền tảng đáng tin cậy để thu hút đầu tư, mời gọi phát triển. Hòa Bình đã không chọn cách "vẽ đường” cho nhà đầu tư bằng lời nói. Tỉnh chọn cách "dọn đường" bằng cải cách.

>> Bài 1 - Lặng lẽ nhưng quyết liệt

>>Bài 2 - Một chạm, vạn thay đổi

>> Bài 3 - Hành chính phục vụ - không ai bị bỏ lại

Với việc cắt giảm thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Doosung Tech Việt Nam (Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn).

Với việc cắt giảm thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Doosung Tech Việt Nam (Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn).

Tư duy mở lối - chính quyền vươn xa

Hạ tầng công nghệ thông tin ở Hòa Bình giờ đã chạm tới tận thôn, bản. Không còn những xã trắng mạng, phòng làm việc thiếu máy tính, hay cán bộ e dè với máy móc. Đến cuối năm 2024, 100% UBND cấp xã được kết nối internet tốc độ cao, 100% cán bộ cấp xã có tài khoản định danh điện tử và sử dụng thành thạo phần mềm quản lý văn bản liên thông 4 cấp. Hơn 1.000 DVC trực tuyến toàn trình được tích hợp trên Cổng DVC quốc gia… Những con số khô khan nhưng là kết quả của một cuộc chuyển đổi mềm dẻo và quyết liệt. Ở đó, từng cú click chuột đã thay cho vài ngày lặn lội, từng thao tác số hóa đã xóa đi cả tá giấy tờ, sổ sách, thủ tục rườm rà.

Trước đây, để làm một bộ hồ sơ đất đai, người dân xã vùng cao như Tân Thành (Mai Châu) phải mất trung bình 10 - 15 ngày, đi lại ít nhất 3 lượt. Giờ đây, nhờ tích hợp DVC trực tuyến mức độ 4, thời gian được rút còn 5 - 7 ngày, thậm chí có trường hợp chỉ trong một buổi sáng. Không cần lặn lội xuống huyện, không còn cảnh xếp hàng chờ đợi - chỉ một cú chạm trên điện thoại cũng đủ khởi động cả quy trình. Ở huyện Lạc Sơn, một bộ hồ sơ xin xác nhận tình trạng hôn nhân trước kia phải viết tay 3 bản, xin 2 dấu. Giờ chỉ cần thao tác qua app, đến nơi nhận kết quả. Thay vì xin - chờ - nộp, người dân giờ đây được phục vụ đúng nghĩa.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bảng cảm ứng tra cứu được đặt ngay cửa, nhân viên luôn nở nụ cười trước khi hỏi "Tôi có thể giúp gì cho bác ạ?”. Từ vùng cao xuống vùng thấp, từ công chức tỉnh đến tình nguyện viên thôn bản, một luồng tư duy mới đang lan dần: Làm cho dân chứ không phải đòi dân làm. Và chính điều đó mới là cú chuyển mình đột phá thật sự.

Không phải ngẫu nhiên mà Hòa Bình có thể thực hiện những cuộc cải cách đầy quyết đoán. Nơi đây, người đứng đầu chính quyền, từ Chủ tịch UBND tỉnh đến lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp xắn tay vào việc, không ngồi chỉ đạo suông. Từ việc chủ trì các buổi đối thoại với doanh nghiệp đến tiếp công dân định kỳ, mô hình "chính quyền phục vụ” không chỉ nằm trên giấy.

"Trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp về cơ sở, đối thoại với người dân các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Thủy - nơi còn nhiều vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Đó là lời xác nhận của lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình. Các cuộc gặp không micro, không bàn chủ tọa, chỉ có sự thẳng thắn và mong muốn được lắng nghe. Điều người dân nhận lại không chỉ là câu trả lời, mà là niềm tin. Những cuộc gặp không rào cản hình thức ấy đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa "chính quyền” và "người dân”.

Song song, tỉnh cũng tổ chức hội nghị đối thoại với gần 400 doanh nghiệp trên địa bàn. Những phản ánh về môi trường đầu tư, tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng đều được tiếp thu, phản hồi công khai và đưa vào hệ thống theo dõi tiến độ thực hiện. Cam kết không chỉ dừng ở lời nói, mà được kiểm chứng bằng hành động và công nghệ.

Ở một tỉnh miền núi như Hòa Bình, chính quyền số không thể chỉ là chuyện của máy chủ và phần mềm, mà bắt đầu từ sự chuyển đổi trong ý thức, từ quản lý sang phục vụ, từ "không” sang "có thể”, từ né tránh sang đối thoại. Cách Hòa Bình triển khai cho thấy: không có thay đổi nào đi xa nếu người lãnh đạo không dấn thân.

Hành chính rộng cửa - Đầu tư bật đà

Cải cách hành chính đã mở cánh cửa thu hút đầu tư. Năm 2024, tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án mới, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án và chấp thuận 7 dự án nhà ở thương mại, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 19.137 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 735 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 270.000 tỷ đồng, tăng gần 90.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Thời gian xử lý hồ sơ đầu tư được rút ngắn rõ rệt. Cơ chế một cửa liên thông, áp dụng chữ ký số, công khai tiến độ trên môi trường số giúp nhà đầu tư theo dõi minh bạch. Chỉ số hài lòng với dịch vụ hành chính công đạt gần 98%, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn trên 99,6%. Hạ tầng mềm được cải thiện song song: PAR INDEX tăng trên 30 bậc, PAPI tăng liên tục 3 năm, DTI lần đầu vượt mức trung bình cả nước. Tỷ lệ DVC trực tuyến toàn trình đạt trên 96%. Kinh tế số đóng góp hơn 10% GRDP toàn tỉnh - một bước tiến dài cho một tỉnh miền núi.

Năm 2023, Hòa Bình tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư đầu tiên trong cả nước, quy tụ 400 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại đây, tỉnh đã trao quyết định cho 15 dự án lớn với tổng vốn trên 47.000 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD). Đây là dấu mốc chưa từng có, phản ánh hiệu quả từ sự chuyển mình mạnh mẽ trong cải cách thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường. Nhiều doanh nghiệp xác nhận, Hòa Bình là một trong những tỉnh có tinh thần hỗ trợ nhà đầu tư tốt nhất khu vực phía Bắc.

Hải Yến - Bùi Minh - Linh Nhật

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/200234/cai-cach-hanh-chinh-o-hoa-binh-tu-cham-nho-den-chuyen-dong-lon-bai-4-kien-tao-hanh-chinh,-ket-noi-dau-tu.htm