Cải cách hành chính tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, công tác cải cách hành chính ở Hà Tĩnh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hồ sơ trực tuyến đạt 73,60%

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những mũi đột phá nên trong suốt thời gian qua, Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Qua đó, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ về các thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiểm tra đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ về các thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.

Một trong những chuyển biến mạnh mẽ nhất là việc cải cách thủ tục hành chính ở cả 3 cấp, tỉnh, huyện, xã. Với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 73,60%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 73,27%, công tác CCHC đã đạt, vượt xa so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 tại Nghị quyết 12-NQ/TU, ngày 26/5/2022 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 96% cũng chính là thước đo về thành quả của CCCH của tỉnh thời gian qua.

Năm 2023, Hà Tĩnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 9 bậc so với năm 2022), xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ về Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC và cung cấp dịch vụ công do Văn phòng Chính phủ đánh giá và được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Phân tích về kết quả đạt được trong cải cách thủ tục hành chính, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hoàng Tùng Phong cho biết: “Thời gian vừa qua, các sở, ban, ngành đã có sự tập trung, vào cuộc quyết liệt cho công tác cải cách TTHC. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch bổ sung các tỷ lệ, tăng các chỉ tiêu để nâng cao trách nhiệm thực hiện. Hệ thống phần mềm ngày một hoàn thiện, đã tạo thuận lợi cho việc nộp, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân.

Mặt khác, Hà Tĩnh cũng đã rà soát sát, đúng các thủ tục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần để triển khai thực hiện. Đặc biệt, sau một quá trình nỗ lực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thì đến nay, người dân, doanh nghiệp và các đơn vị đã dần làm quen được với hình thức nộp hồ sơ trực tuyến”.

Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tăng cao đã giảm được hơn 50% số người đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nộp hồ sơ trực tiếp.

Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tăng cao đã giảm được hơn 50% số người đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nộp hồ sơ trực tiếp.

Cùng với cải cách TTHC, Hà Tĩnh cũng là một trong số ít các tỉnh, thành trong cả nước sớm trình Bộ Nội vụ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đến nay, Bộ Nội vụ đã có văn bản góp ý. Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đã triển khai kịp thời đề án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp y tế. Ban hành sớm bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số đối với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo khẳng định: "Để CCHC có được nhiều dấu ấn nổi bật thì trong năm qua, người đứng đầu các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều cách làm mới. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra đột xuất giải quyết TTHC và lần đầu tiên công khai số điện thoại đường dây nóng của cá nhân đồng chí; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người đứng đầu các sở, ban, ngành, chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng công khai số điện thoại cá nhân tại bộ phận một cửa các cấp trong toàn tỉnh để tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Đổi mới thực sự và căn bản phương thức đánh giá chỉ số CCHC so với các năm trước đây, lần đầu tiên, Hà Tĩnh thực hiện các bước tự chấm điểm và thẩm định chỉ số CCHC hoàn toàn trên phần mềm, không làm việc trực tiếp với từng cơ quan, đơn vị. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công tác phí... kiểm soát được quá trình thẩm định lưu vết trên phần mềm, đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng trong quá trình thẩm định, xếp hạng chỉ số CCHC".

Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính

CCHC tiếp tục được coi là nhiệm vụ, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Chính vì vậy, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành CCHC gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tiến hành triển khai có hiệu quả chấm điểm xác định chỉ số CCHC của cấp xã trên phần mềm từ năm 2024; kịp thời khắc phục và cải thiện, duy trì, nâng cao các chỉ số CCHC liên quan.

Song song với đó, triển khai kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh phiên bản 2.0 và mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh. Xây dựng quy trình nội bộ dùng chung cho các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện.

Hà Tĩnh sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị trong thúc đẩy CCHC.

Hà Tĩnh sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị trong thúc đẩy CCHC.

Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, trực tuyến toàn trình, tỷ lệ thanh toán trực tuyến. Đặc biệt là triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đảm bảo đúng lộ trình; thực hiện phê duyệt vị trí việc làm phù hợp và kịp thời triển khai chính sách tiền lương mới.

Ông Lê Minh Đạo

Giám đốc Sở Nội vụ

Ánh Nguyên

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/chinh-quyen/cai-cach-hanh-chinh-tao-dong-luc-thuc-day-phat-trien-kt-xh/260727.htm