Cải cách hệ thống thuế mở rộng cơ sở thu hiệu quả hơn tăng thuế suất
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế làm gia tăng áp lực cạnh tranh, cùng với xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, các quốc gia đã và đang thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu NSNN.
Xu hướng chung của các nước
ThS. Phạm Thị Thu Hồng - Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), hầu hết các quốc gia cải cách theo hướng khuyến khích thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Ở một số nước, do nợ công tăng cao nên đã cải cách theo hướng tăng thu ngân sách từ thuế TNDN.
Cụ thể, thuế suất thuế TNDN phổ thông tại các nước OECD trung bình giảm từ 32% (năm 2000) xuống 26% (năm 2008) và 25% năm 2015. Trong đó tại Anh, từ 1/4/2013 đến nay đã 4 lần giảm thuế TNDN phổ thông từ 24% xuống còn 19% và giảm tiếp còn 17% từ 1/4/2013; Malaysia giảm từ 25% năm 2013 xuống 24% từ năm 2016; Tây Ban Nha giảm thuế suất từ 28% năm 2015 xuống 25% từ 2016. Ngược lại, cũng có nước đã tăng thuế TNDN như Chi Lê tăng từ 24% năm 2016 lên 25% năm 2017; Hy Lạp từ 26% năm 2014 lên 29% từ tháng 7/2015. Cũng có nước, ngoài việc giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông, còn chủ trương tăng cường, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy một số lĩnh vực ưu tiên đầu tư.
Cụ thể, từ 1/1/2014, Bồ Đào Nha mở rộng ưu đãi thuế đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển đến năm 2020 và giảm thuế đối với lợi nhuận để lại phục vụ cho việc tái đầu tư. Singapore áp dụng nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ và hỗ trợ các doanh nghiệp, giảm 50% thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2016 và 2017, nhưng không quá 20.000 USD/năm; mỗi thương vụ mua bán, sáp nhập từ ngày 1/4/2016 đến ngày 31/3/2020 được giảm 25% số thuế phải nộp.
Thậm chí, từ ngày 1/4/2016, các công ty ủy thác sẽ hưởng thuế suất ưu đãi là 12%; từ năm 2013-2015 nếu doanh nghiệp nào đầu tư vào các hoạt động nâng cao chất lượng theo chương trình tín dụng đổi mới và nâng cao năng suất (PIC) sẽ được hưởng 400% khấu trừ thuế/trợ cấp và/hoặc 60% tiền mặt (theo PIC). Ngoài ra, giai đoạn 2015-2020, Singapore còn ưu đãi thuế đối với hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp như tăng mức hỗ trợ từ 5% lên 25% tổng giá trị của giao dịch, nếu đáp ứng một số điều kiện.
Đối với thuế TNCN, trong những năm gần đây có 2 xu hướng chính. Một là, tăng thuế suất đối với thu nhập cao, giảm thuế suất đối với thu nhập thấp và tăng mức giảm trừ gia cảnh, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cũng như đảm bảo chức năng phân phối thu nhập của hệ thống thuế. Cụ thể, sau 4 năm (2013 - 2016) không điều chỉnh thuế TNCN, từ 2017 Singapore đã tăng mức thuế suất lũy tiến đối với phần thu nhập chịu thuế cao.
Theo đó, tăng mức thuế suất lũy tiến từ 17% lên 18% đối với mức thu nhập chịu thuế trong khoảng 160.000-200.000SGD và từ 20% lên 22% đối với mức thu nhập chịu thuế từ 320.000SGD trở lên. Bên cạnh đó, bổ sung khung thu nhập chịu thuế trong khoảng 200.000-320.000SGD sẽ chịu các mức thuế suất lũy tiến là 19% (200.000 - 240.000SGD), 19,5% (240.000 - 280.000SGD) và 20% (280.000 - 320.000SGD) thay vì trước đây chỉ chịu một mức thuế suất 18%.
Riêng với thuế GTGT, TTĐB, đã có 166 quốc gia cơ cấu lại theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, thông qua việc tăng thuế tiêu dùng (GTGT và TTĐB). Cùng với đó, nhiều nước đã tăng thuế GTGT phổ thông một cách mạnh mẽ. Chẳng hạn, thuế GTGT tại EU trung bình tăng từ 19% năm 2000 lên 21,5% vào năm 2014. Các nước OECD từ 18% năm 2000 lên hơn 19% vào năm 2016. Tại Đông Nam Á, Philippines tăng thuế GTGT đối với hàng hóa và dịch vụ từ 12% lên 15% nhằm bù đắp nguồn thu bị thâm hụt, do ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giảm thuế TNDN.
Ngoài ra, từ 1/6/2017 Chính phủ nước này đã xem xét mở rộng cơ sở thuế GTGT bằng việc loại bỏ một loạt các miễn giảm thuế cho hơn 30 mặt hàng và dịch vụ. Malaysia chuyển sang áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ với mức thuế suất 6% thay cho thuế bán hàng và dịch vụ có mức thuế suất phổ thông 10% và 5% đối với một số sản phẩm dầu mỏ; 6% đối với dịch vụ từ 1/4/2015. Cùng với đó, một số nước lại tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng hạn chế khuyến khích tiêu dùng (đồ uống có cồn, thuốc lá).
Khuyến nghị cho Việt Nam
Theo ThS. Phạm Thị Thu Hồng, từ kinh nghiệm của các nước có thể thấy, cần phải thúc đẩy nguồn thu nội địa, tạo môi trường thuận lợi cho việc huy động nguồn thu bền vững trong tương lai. Tức là, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu thu thuế, thì vấn đề thúc đẩy nguồn thu nội địa cần phải được tính toán trong dài hạn hơn.
Cụ thể, trong khi nguồn thu từ thuế có xu hướng giảm nhưng thâm hụt ngân sách và nợ công có xu hướng tăng, đã đặt ra nhiều áp lực trong việc huy động ngân sách, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước cơ cấu lại nguồn thu theo hướng nâng cao tỷ lệ động viên từ thu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu không bền vững. Chính vì vậy, việc tăng thuế suất giá trị gia tăng cần được xem xét một cách thận trọng.
Đối với thuế TNDN, mặc dù xu hướng của các quốc gia là giảm thuế, nhưng Việt Nam cần cân nhắc biện pháp này. Nếu tiếp tục giảm thuế suất, sẽ không còn là biện pháp hiệu quả, nhất là trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam cần hướng tới việc mở rộng cơ sở thuế. Đơn cử như đối với thuế TNDN, cần xem xét tính thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, giao dịch điện tử, quảng cáo, mua bán hàng qua mạng; bổ sung quy định vốn mỏng.
Vì đây là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất, nhằm hướng tới mục tiêu bao quát nguồn thu phát sinh, qua đó làm tăng thu ngân sách cũng như bắt kịp với sự phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới. Riêng với thuế TNCN, cần quy định rõ hơn về ngưỡng thu nhập chịu thuế và điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp. Còn với thuế TTĐB, cần xây dựng lộ trình điều chỉnh đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.