Cải cách kiểm soát chi hướng tới kho bạc số

Kiểm soát chi là nghiệp vụ 'xương sống' của Kho bạc Nhà nước để nguồn vốn ngân sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội. Để trở thành kho bạc điện tử và đang hướng tới kho bạc số, nghiệp vụ này càng được Kho bạc Nhà nước chú trọng, cải cách.

Công chức Kho bạc Nhà nước Quận Thanh Xuân, Hà Nội đang thực hiện rà soát các số liệu trong kiểm soát chi ngân sách. Ảnh: Hạnh Thảo

Công chức Kho bạc Nhà nước Quận Thanh Xuân, Hà Nội đang thực hiện rà soát các số liệu trong kiểm soát chi ngân sách. Ảnh: Hạnh Thảo

Bước đầu số hóa các chứng từ giao dịch

Còn nhớ, tại cuộc họp báo chuyên đề về công tác kiểm soát chi (KSC) qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) được tổ chức vào cuối tháng 5/2019, Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh đã phấn khởi thông tin, công tác KSC ngân sách của kho bạc đã thay đổi rõ rệt với 6 giảm, 8 tự động và 4 hơn.

Cụ thể, 6 “giảm” đó là: Hồ sơ giảm, giấy tờ giảm; thủ tục hành chính giảm; đầu mối giảm; thời gian kiểm soát thanh toán giảm; việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng giảm. 8 “tự động” được trải đều cho các khâu là: Tiếp nhận hồ sơ; kiểm soát; kế toán; thanh toán; trả kết quả; lưu trữ hồ sơ; báo cáo, đối chiếu chứng từ và 4 “hơn” là: Công khai minh bạch hơn; chặt chẽ hơn; an toàn hơn; hiệu quả hơn.

Chia sẻ sâu hơn về kết quả này, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quang Vinh cho biết, là do KBNN đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát; gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, KBNN và các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN).

Đồng thời, hệ thống KBNN đã thực hiện KSC theo ngưỡng chi đối với các khoản chi nhỏ lẻ có giá trị từ 20 triệu đồng trở xuống (thực hiện kiểm soát theo bảng kê chứng từ) nhằm tiến tới việc KSC theo giá trị, KSC theo rủi ro; thực hiện việc kiểm soát theo phương thức khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Đối với công tác KSC đầu tư, đến nay, thủ tục kiểm soát thanh toán tại KBNN đã được cải cách, giảm bớt về số lượng hồ sơ, tài liệu do chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến KBNN. Hơn nữa, thời gian kiểm soát, thanh toán vốn cũng được rút ngắn hơn trước (từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày làm việc). Đặc biệt, từ năm 2018, KBNN triển khai giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã đặt dấu mốc cho các hoạt động giao dịch của KBNN trên nền tảng điện tử. Kể từ đây, các hồ sơ giao dịch được gửi tới KBNN qua DVCTT dưới dạng văn bản scan cơ bản đã được số hóa bước đầu với việc bán điện tử. Số lượng, chất lượng dịch vụ cung cấp qua

DVCTT ngày càng tăng và ổn định. Theo báo cáo từ KBNN, đến nay, tỷ lệ giao dịch chi NSNN qua DVCTT đạt 99,6%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT.

Từ đó đến nay, KBNN đã từng bước liên thông, kết nối DVCTT với hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis); hệ thống thanh toán liên ngân hàng, liên kho bạc… Sự liên thông này đã giúp giảm bớt thời gian thanh toán, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các đơn vị nhưng vẫn đảm bảo hồ sơ, chứng từ được kiểm soát chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, từ đó làm tăng sự hài lòng của khách hàng đối với KBNN.

Đồng thời, quy trình KSC luôn được KBNN sửa đổi, điều chỉnh trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ, giảm thiểu thời gian kiểm soát hồ sơ trực tiếp giúp rút ngắn thời gian kiểm soát hồ sơ trực tiếp cũng như thời gian KSC đảm bảo tính kịp thời nhưng vẫn chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi

Với mục tiêu trở thành kho bạc số vào năm 2030 như chiến lược phát triển đã đề ra, các yêu cầu về đổi mới công tác KSC cũng được đặt ra. Cụ thể, đổi mới cơ chế quản lý cam kết chi NSNN; cung cấp đầy đủ thông tin cam kết chi NSNN phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hàng năm theo thông lệ quốc tế.

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định

Để thực hiện thành công các mục tiêu trong cải cách công tác kiểm soát chi (KSC) thì con người là yếu tố quyết định. Theo đó, KBNN cũng đặt ra mục tiêu trong thời gian tới là sẽ thực hiện đào tạo các lớp nghiệp vụ KSC và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác KSC cho đội ngũ công chức làm KSC trong toàn hệ thống. Đồng thời, KBNN thực hiện phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách để thực hiện đào tạo, kết nối cho các công chức, viên chức, người lao động làm hồ sơ, giao dịch trực tiếp với KBNN.

Thống nhất đầu mối, quy trình và số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN; thực hiện chia sẻ và liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN, đảm bảo hiêu quả, công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng NSNN.

Đổi mới phương thức KSC NSNN theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách và tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương; đi đôi với kiểm soát rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Để đạt được các mục tiêu trên và nâng cao công tác KSC, đưa nguồn vốn ngân sách kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng, trước mắt, KBNN đã giao Vụ Kiểm soát chi tiếp tục phối hợp với Cục Công nghệ thông tin nâng cấp DVCTT đáp ứng các yêu cầu sửa đổi Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và số hóa các tiện ích phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN.

Đồng thời, Vụ Kiểm soát chi - KBNN thực hiện tổng hợp ý kiến tham gia của KBNN các tỉnh, thành phố về dự thảo Quy trình về thanh toán, chi trả cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng thương mại của đơn vị giao dịch tham gia DVCTT KBNN để hoàn thiện trình lãnh đạo KBNN ký ban hành.

Về lâu dài, KBNN sẽ thực hiện liên thông dữ liệu điện tử giữa Chương trình ĐTKB - GD (kiểm soát chi đầu tư qua KBNN) với hệ thống giám sát đầu tư công, hệ thống đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hệ thống thông tin của Tổng cục Thuế để trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông tin dự án: Kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, mã dự án, quyết định đầu tư, thông tin về hợp đồng điện tử; hồ sơ điện tử chủ đầu tư gửi qua DVCTT, giá trị thanh toán… Chia sẻ thông tin dữ liệu về dự toán ngân sách, thông tin về hợp đồng điện tử, hồ sơ của đơn vị sử dụng ngân sách gửi qua DVCTT, thông tin về hóa đơn điện tử để triển khai thực hiện việc kiểm soát chi tự động đối với các khoản chi điện, nước, viễn thông…

Đồng thời, KBNN cũng đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (kho dữ liệu) để kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu về số chi NSNN giữa KBNN và các bộ, ngành, địa phương để khai thác số liệu báo cáo một cách chủ động, tại mọi thời điểm nhằm đấp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương…

Thêm các giải pháp để công tác KSC của KBNN ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho tất cả các đối tượng có giao dịch với KBNN, các chuyên gia kinh tế cũng cho biết, KBNN cần thực hiện kiểm soát thanh toán đối với các khoản mua sắm hàng hóa, dịch vụ thực hiện theo quy trình điện tử hoàn chỉnh từ khâu phân bổ, kiểm soát dự toán trước khi đấu thầu, ký kết và ghi nhận thông tin hợp đồng, tiếp nhận hàng hóa, dịch vụ, gửi đề nghị thanh toán, thực hiện thanh toán, kế toán và quyết toán tại các đơn vị sử dụng ngân sách thông qua Tabmis.

Chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm trong kiểm soát chi

Để KSC đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, hệ thống KBNN đang tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, KBNN sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính để giải ngân kịp thời, đúng tiến độ, đúng thời gian quy định các khoản chi NSNN. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các quy định mới, cũng như ưu điểm, tính năng của các chương trình ứng dụng mới của KBNN liên quan đến KSC, qua đó, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách thuận lợi khi phối hợp thanh toán, giao dịch với KBNN.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cai-cach-kiem-soat-chi-huong-toi-kho-bac-so-137915-137915.html