Cải cách thị trường điện của EU: Chưa tìm được tiếng nói chung
Là một trong những dự án tham vọng nhất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm kiểm soát giá năng lượng, tuy nhiên, các quốc gia thuộc EU không đạt được đồng thuận với các quy tắc mới đã được lên kế hoạch cho thị trường điện.
Các cuộc thảo luận đã trở nên phức tạp sau khi Thụy Điển đề xuất cho phép các nước thành viên kéo dài cơ chế trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than. Động thái này có thể tạo ra những hậu quả tiềm ẩn cho các mục tiêu về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng của Lục địa già trong mùa đông sắp tới.
Bộ trưởng năng lượng của các nước EU nhóm họp tại Luxembourg để thống nhất lập trường chung về các quy tắc thị trường điện mới nhằm mở rộng năng lượng carbon thấp và tránh lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái, khi giá khí đốt cao kỷ lục tạo gánh nặng cho người tiêu dùng. Mặc dù sau đó giá cả đã giảm xuống, nhưng những “vết sẹo” vẫn đặt ra nhiều dấu hỏi về khả năng đối phó với mùa đông tới.
Cao ủy châu Âu về năng lượng Kadri Simson cho rằng, "đã bộc lộ một số thiếu sót trong hệ thống hiện tại cần được giải quyết". Do vậy, cải cách được đề xuất nhằm mục đích giúp giá điện ổn định hơn bằng cách đưa các nhà máy điện hạt nhân và năng lượng tái tạo mới do Nhà nước hậu thuẫn vào các "hợp đồng chênh lệch" giá cố định.
Tuy nhiên, cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng đã đi vào bế tắc do một đề xuất được đưa ra bởi Thụy Điển, đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, nhằm cho phép các nước kéo dài cơ chế trợ cấp công suất cho các nhà máy điện than. Những khoản trợ cấp này khuyến khích các máy phát điện giữ công suất ở chế độ chờ để tránh mất điện.
Các quốc gia ủng hộ đề xuất của Thụy Điển cho rằng, điều quan trọng là bảo đảm sản xuất điện ổn định, đặc biệt là ở các quốc gia như Ba Lan có chung biên giới với Ukraine. Một số quốc gia lập luận rằng thị trường công suất, bao gồm trợ cấp cho các nhà máy than, là cần thiết để bảo đảm an ninh nguồn cung.
Theo đề xuất của Thụy Điển, Ba Lan có thể kéo dài cơ chế trợ cấp cho các nhà máy nhiệt điện than của nước này, nhiều khả năng đến tận năm 2028. Hiện khoảng 70% sản lượng điện của Ba Lan là từ các nhà máy nhiệt điện than.
Trong khi đó, Áo, Bỉ, Đức và Luxembourg... đã lên tiếng phản đối đề xuất của Thụy Điển, cho rằng ý tưởng này có thể hủy hoại các mục tiêu của châu Âu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức, Robert Habeck nhấn mạnh rằng, việc tăng trợ cấp cho các nhà máy điện than sẽ mâu thuẫn với các mục tiêu bảo vệ khí hậu của liên minh. Than là nhiên liệu hóa thạch thải ra nhiều CO2 nhất.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng năng lượng EU cũng phải đau đầu để có thể nhất trí về những quy định liên quan đến trợ cấp nhà nước cho các nhà máy điện hạt nhân và phát triển năng lượng từ các nguồn tái tạo, nhất là khi Đức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu của liên minh, vướng vào bất đồng về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck, việc để các nước duy trì hợp đồng điện giá cố định đối với các nhà máy điện hiện nay cũng như các nhà máy mới có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường đơn nhất của EU. Áo và Hà Lan đồng quan điểm này với Berlin.
Theo giới chức EU, quan ngại chính hiện nay tập trung xung quanh khả năng sử dụng các khoản trợ cấp nhà nước cho các nhà máy điện hạt nhân của Pháp.
Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher phản đối việc kêu gọi hạn chế sử dụng những hợp đồng trợ giá như vậy, cho rằng "làm hủy hoại mục tiêu an ninh cung ứng điện và bảo vệ người tiêu dùng".
Cải cách thị trường điện của EU được đề xuất nhằm làm cho giá điện ổn định hơn. Tuy nhiên, việc không tìm được tiếng nói chung làm dấy lên lo ngại về khả năng của châu Âu trong giải quyết một cách hiệu quả vấn đề biến đổi khí hậu. Do vậy, kết quả của các cuộc thảo luận trong những tuần tới sẽ có tác động đáng kể không chỉ đối với thị trường điện mà còn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững của khu vực và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một thị trường điện phù hợp với tương lai sẽ đẩy lùi sự mất an toàn do nhiên liệu hóa thạch và các cú sốc về giá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống điện sạch và nền kinh tế khử carbon, đồng thời duy trì sự thống nhất và đoàn kết của EU.