Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh có những cải thiện đáng kể, vượt bậc.
Tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt cao
Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn cho biết: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã giúp hoàn thiện các quy trình thủ tục phục vụ người dân.
Theo đó, 2023 là năm đầu tiên trong 5 năm gần đây tỉ lệ giải quyết TTHC đúng hạn đạt trên 95% đối với cả ba cấp tỉnh, huyện và xã. Số TTHC được công khai đầy đủ nội dung quy định về các bộ phận cấu thành đạt tỉ lệ 100%. Tỉ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 100%. Đây là một nội dung tích cực và đáng ghi nhận về sự nỗ lực của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Tỷ Khánh, hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước đã được triển khai đến 100% đơn vị cấp xã; từng bước đáp ứng tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ, cải cách hành chính (CCHC), đảm bảo liên thông văn bản điện tử 4 cấp; 100% đơn vị sở, ngành, huyện, xã triển khai phần mềm quản lý tài chính kế toán, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.
Đồng thời triển khai Cổng DVCTT liên thông đến cấp xã trong giải quyết TTHC giúp rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính minh bạch; cung cấp DVCTT toàn trình, một phần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã đáp ứng việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng DVC Quốc gia, triển khai thanh toán trực tuyến cho các DVCTT mức toàn trình của tỉnh có phí, lệ phí.
Theo ông Phan Tấn Hinh, phường 9, TP Tuy Hòa, việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC đã tạo thuận lợi thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. “Hiện nay chỉ cần chiếc máy tính xách tay hay điện thoại thông minh là có thể gửi hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà. Điều này giúp ích cho người dân rất nhiều, vừa giảm thời gian, công sức đi lại, vừa giảm được chi phí”, ông Hinh tâm đắc.
Còn nhiều việc phải làm
Theo UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được thì nhiều tồn tại, hạn chế vẫn còn chậm khắc phục. Cụ thể là việc công bố, công khai danh mục TTHC chậm, chưa đảm bảo quy định. Việc triển khai trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây chưa hoàn thành.
TTHC cung cấp DVCTT toàn trình mới đạt 30,83% (trung bình cả nước 54,54%). Tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến là 44,55% (trung bình cả nước 48,62%). Tỉ lệ hồ sơ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh là 90,2%, chưa đạt theo yêu cầu của Chính phủ (trong năm 2024 là 100%)…
Để khắc phục những khó khăn và tồn tại, hạn chế trên, theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn, trong thời gian đến, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các cơ quan, địa phương triển khai có hiệu quả lĩnh vực công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Tiếp tục đẩy mạnh, đôn đốc các cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ CCHC hằng năm trên địa bàn tỉnh, tạo sự thống nhất, đồng đều trong triển khai các nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, địa phương.
Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị gắn với kết quả thực hiện CCHC thông qua việc ứng dụng phần mềm điện tử vào định lượng kết quả hoạt động các cơ quan, đơn vị; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, địa phương thuộc đối tượng kiểm tra xử lý, khắc phục triệt để 100% các vấn đề phát hiện qua kiểm tra theo quy định.
Còn theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đặng Hồng Lĩnh, để làm tốt công tác giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số cần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và của cán bộ, công chức, viên chức về công tác cải cách TTHC.
Việc chỉ đạo cải cách TTHC phải quyết liệt, sâu sát có trọng tâm, trọng điểm, “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; coi trọng vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong cải cách TTHC. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát đột xuất việc giải quyết hồ sơ TTHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo CCHC; đánh giá thường xuyên kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát TTHC, đẩy mạnh cải cách TTHC thực chất, cải thiện mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, tích cực đề xuất những sáng kiến, giải pháp, nhân rộng những cách làm hay để đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh…
Các cơ quan, đơn vị cần có quyết tâm trong đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; đẩy nhanh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với trường hợp để xảy ra tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh