Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số trong công tác biên phòng
Khu vực cửa khẩu cảng thành phố (TP) Hồ Chí Minh có 116 cầu cảng với 58 bến cảng, 82 phao neo đậu tàu. Hằng ngày, số lượng phương tiện, hàng hóa và thủy thủ, thuyền viên, người lao động ra vào khu vực cửa khẩu rất lớn. Nhờ làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số (CĐS) nên thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh cho tàu thuyền được BĐBP TP Hồ Chí Minh chuyển từ hình thức trực tiếp tại tàu sang cơ chế 'một cửa liên thông' tại trụ sở Cảng vụ hàng hải (trừ các tàu phải thực hiện thủ tục trực tiếp tại tàu theo quy định của pháp luật).
Đại tá Trần Thanh Đức, Chỉ huy trưởng BĐBP TP Hồ Chí Minh thông tin: “Thời gian qua, thực hiện các chương trình, kế hoạch cải cách TTHC gắn với CĐS của Chính phủ; sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch cải cách TTHC gắn với CĐS. Trong đó, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh trong thủ tục biên phòng; cấp thị thực và các loại giấy phép; kiểm tra, giám sát biên phòng”.
Trung tá Phạm Văn Anh, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng (Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh, BĐBP TP Hồ Chí Minh) cho biết thêm: “Thực hiện cải cách TTHC gắn với CĐS, từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã triển khai thực hiện toàn trình 12 thủ tục biên phòng điện tử đối với tàu thuyền đến, rời cảng. Thủ tục biên phòng điện tử được thực hiện 24/7 (kể cả ngày lễ, Tết) đã đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Từ năm 2019, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện kiểm soát các loại giấy phép cấp cho người Việt Nam, nước ngoài xuống, rời tàu bằng công nghệ in mã vạch 2D, giúp giảm thời gian kiểm soát một giấy phép từ 2-3 phút xuống còn khoảng 30 giây/người. Sau khi cải tiến quy trình kiểm soát, ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian kiểm soát một khách giảm xuống còn khoảng 10-12 giây; khi tàu vừa cập cảng, hành khách được đi vào bờ ngay, tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho hành khách tham quan, du lịch trong ngày”.
Hiện nay, BĐBP TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục biên phòng điện tử, cổng kiểm soát xuất, nhập cảng tự động; tăng cường theo dõi, đánh giá hiệu quả cải cách TTHC, đo lường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ 4.0, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống chuyên ngành; nghiên cứu từng bước tự động hóa các khâu kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh. Bên cạnh đó, đơn vị đã khai thác có hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin và các trang thiết bị cửa khẩu vào công tác kiểm tra, giám sát biên phòng như: Hệ thống camera ảnh nhiệt ngày đêm, hệ thống camera giám sát cửa khẩu cảng biển kết hợp với công tác nắm tình hình thông qua các biện pháp nghiệp vụ; công tác tuần tra kiểm soát cơ động...
Chia sẻ về hiệu quả của việc cải cách TTHC gắn với CĐS, Đại tá Trần Thanh Đức khẳng định: Thứ nhất, cải cách TTHC gắn với CĐS thể hiện sự chuyên nghiệp, hiện đại trong công tác biên phòng, mang lại nhiều lợi ích cho quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai là rút ngắn thời gian chờ đợi làm thủ tục, nhiều loại giấy tờ được cắt giảm, nhiều thủ tục làm xong trước khi tàu cập cảng, từ đó, giảm thời gian tàu, thuyền neo đậu, có thể bốc dỡ hàng hóa ngay khi cập cảng, thuyền viên được đi bờ ngay để tham quan, du lịch... Thứ ba là tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp khi rút ngắn thời gian neo đậu, đi lại. Thứ tư là nâng cao uy tín và sự hài lòng của đối tác, doanh nghiệp đối với công tác quản lý, kiểm soát, phục vụ của cơ quan chức năng Việt Nam nói chung và lực lượng Biên phòng nói riêng. Những lợi ích đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và định vị “thương hiệu” cảng biển Việt Nam...
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh, bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động xuất, nhập cảnh, xuất khẩu và giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, BĐBP TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong thực hiện thủ tục biên phòng, hướng tới số hóa, tự động hóa trong thực hiện thủ tục, kiểm tra, kiểm soát biên phòng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Năm 2023, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh cho 244 lượt tàu khách/26.019 lượt thuyền viên/27.793 lượt hành khách; làm thủ tục xuất, nhập cảnh, chuyển cảng đến, đi cho 16.911 lượt tàu hàng/307.768 lượt thuyền viên/130.616.612 tấn hàng. Đối với tàu và phương tiện thủy nội địa, đơn vị làm thủ tục cho 13.442 lượt tàu/143.351 lượt thuyền viên/37.418.523 tấn hàng. Trong quý I/2024, đơn vị kiểm soát xuất, nhập cảnh 95 lượt tàu khách/12.662 lượt thuyền viên/16.875 lượt hành khách; 3.417 lượt tàu hàng/62.391 lượt thuyền viên/21.568.622 tấn hàng; làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh cho 8 tàu quân sự/2.423 thuyền viên.