Cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước
– Sáng 16/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức phiên họp thứ hai dưới hình thức hội nghị chuyên đề đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương. Hội nghị được trực tuyến đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, tổ trưởng tổ công tác chủ trì phiên họp.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Tại phiên họp, các đại biểu được nghe báo cáo trung tâm việc triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử các bộ, ngành đạt 24,48% (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 38,94% (tăng 25,8% so với cùng kỳ); việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 81,39% (tăng 29,7% so với cùng kỳ), địa phương đạt 70,24% (tăng 31,4% so với cùng kỳ). 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Cùng đó, hiện đã có 8 bộ và 29 địa phương triển khai, tổng số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính với tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết đạt 6,9 triệu hồ sơ, trong đó bộ, ngành là 3,4 triệu hồ sơ, địa phương là 3,5 triệu hồ sơ. Về nhiệm vụ đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hoặc sớm hạn của địa phương đạt 90%, của bộ, ngành đạt 50,2% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022); mức độ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của địa phương đạt 93%, của bộ, ngành đạt 76,6%.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân các hạn chế còn tồn tại. Tại phiên họp các đại biểu cũng thảo luận chia sẻ những vướng mắc, khó khăn, đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện công tác cải cách TTHC và triển khai dịch vụ công hiệu quả.
Trong chương trình, các đại biểu cũng cho ý kiến vào dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức, xem công tác cải cách TTHC là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, rà soát quy trình cũ, xây dựng quy trình mới trong tiếp nhận, giải quyết TTHC minh bạch, nhanh gọn, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tăng cường đồng bộ hệ thống, kết nối liên thông giữa các ngành, tạo thuận lợi trong chia sẻ, khai thác dữ liệu. Mỗi bộ ngành, địa phương cần linh hoạt trong xử lý các nhiệm vụ, rà soát và cắt giảm các thủ tục không hiệu quả và cắt giảm các dịch vụ công không phát sinh hồ sơ 3 năm nay.
Đồng chí nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, cán bộ có trách nhiệm, đạo đức, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cùng đó, thúc đẩy Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại Lạng Sơn, thời gian qua, việc niêm yết công khai TTHC được triển khai đầy đủ, tỷ lệ hồ sơ được trả kết quả đúng và trước hạn luôn đạt trên 99%. UBND tỉnh thường xuyên rà soát cắt giảm thời hạn giải quyết TTHC, năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt cắt giảm thời hạn 73 TTHC với tổng thời gian cắt giảm 532,3/1.435,2 ngày, tỷ lệ cắt giảm đạt 37%. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được duy trì hoạt động ổn định, đến thời điểm hiện tại đã triển khai cung cấp được 1.439 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có 422 DVCTT một phần, 1.017 DVCTT toàn trình (đạt 70,7%). Ngoài ra, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện tích hợp, đồng bộ dữ liệu đối với 1.707 TTHC; cung cấp, công khai 1.307 DVCTT (450 DVCTT một phần; 857 DVCTT toàn trình).