Cải cách thủ tục hành chính: Rõ người, rõ việc
Các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường phân cấp cho cấp dưới trực tiếp, địa phương xử lý công việc liên quan đến người dân, DN, nhất là về thủ tục hành chính. Đó là những thông điệp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong nghị quyết từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Đây cũng là một vấn đề được người dân quan tâm, tránh những sự 'chờ đợi' và cũng làm tăng tính chủ động của cơ sở.
Nghị quyết phiên họp đã nêu những quan điểm, định hướng lớn, rõ ràng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như một số nội dung trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện ngay trong thời gian tới. Trong đó, một vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh là sẽ phân cấp, phân quyền thật rõ ràng, cụ thể, cá thể hóa hơn nữa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm. Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền; không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương, Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, cơ quan, địa phương xử lý công việc; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện...
Có thể nói rằng, phân cấp, phân quyền là vấn đề liên tục được nhắc đến mỗi khi bàn về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp... Trong những năm qua, việc phân cấp đã có nhiều điểm mới trong hầu hết các lĩnh vực từ quản lý Nhà nước, các hoạt động chuyên ngành để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau khi sửa đổi cũng rõ ràng, cụ thể hơn trong phân cấp, phân quyền. Qua đó, góp phần nâng cao sự chủ động, sáng tạo của các địa phương và thúc đẩy sự phát triển. Không chỉ ở cấp bộ, ngành, tại nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh phân cấp giữa chính quyền cấp tỉnh và các cấp theo hướng cấp nào thực hiện tốt hơn thì giao cấp đó. Việc phân cấp quản lý đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các cấp trong bộ máy chính quyền địa phương. Trong đó, đã tăng cường quyền hạn, trách nhiệm, tính tích cực và chủ động cho cơ sở, bảo đảm việc quản lý thống nhất, xuyên suốt của các cấp.
Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn nhiều lĩnh vực liên quan “mật thiết” đến không ít bộ, ngành nên dẫn đến việc “nhìn nhau” giữa các cơ quan, tạo thành khoảng hở trong quản lý. Đặc biệt, vẫn có tình trạng chuyển lên cho cấp trên quyết định; có nhiều việc chính quyền địa phương cấp dưới có thể giải quyết được nhưng cứ chờ chỉ đạo mới làm. Rồi thời gian qua cũng còn khá nhiều thông tin phản ánh hiện tượng nhiều địa phương tìm cách đẩy công việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ngoài lý do không ít lĩnh vực vẫn bị vướng bởi những quy định, các điều kiện bảo đảm thực hiện… còn cả lý do ngại trách nhiệm hay “ôm việc, ôm quyền”. Do đó, đã làm giảm tính chủ động, sáng tạo và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp.
Với những chỉ đạo mạnh mẽ và rõ ràng trong Nghị quyết của Chính phủ lần này, một lần nữa đã truyền đi thông điệp việc T.Ư thì T.Ư làm, việc địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Qua đó, sẽ tăng được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cấp. Đồng thời với đó, Chính phủ cũng chỉ đạo phải tạo môi trường đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Như vậy, chắc chắn sẽ tiếp tục khắc phục được tình trạng né tránh trách nhiệm, đẩy công việc của mình lên cấp trên hoặc làm tốn thời gian, công sức, đôi khi mất đi cơ hội của người dân, DN.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-ro-nguoi-ro-viec-416253.html