Cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang và sẽ luôn xác định cải cách thủ tục hành chính giữ vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước phát triển, đủ sức cạnh tranh với nông sản các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cán bộ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết các thủ tục hành chính bằng hình thức điện tử. Ảnh: Khánh Linh
Hệ thống mạng điện tử thông suốt 24/24h, thúc đẩy lưu thông hàng hóa
Dưới sự chỉ đạo sát sao bài bản của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt là nhiệm vụ một cửa quốc gia và nhiệm vụ một cửa Asean.
Ông Đặng Duy Hiển, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ NN&PTNT đang quản lý 362 thủ tục hành chính, trong đó có những thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT luôn chú trọng công tác cải cách hành chính và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để xây dựng các hệ thống thông tin, thực hiện việc giải quyết thủ tục này trên môi trường mạng.
Đối với các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, nếu không có Covid-19, đều được thực hiện trên môi trường mạng nên rất thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế cũng như giao thông hàng hóa nông lâm thủy sản. Các cửa khẩu nhập hàng về và xuất hàng đi liên quan đến kiểm dịch, kiểm tra chất lượng cũng bị tác động nhất định.
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, Bộ NN&PTNT và các đơn vị luôn cố gắng duy trì đảm bảo thông suốt hệ thống mạng điện tử 24/24h để giải quyết thủ tục hành chính, thúc đẩy lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã triển khai áp mã hàng nông sản liên quan đến xuất nhập khẩu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo văn phòng Bộ NN&PTNT cùng tất cả các đơn vị rà soát các mã ngành hàng liên quan đến việc này. Ngày 20/9 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ký ban hành Thông tư số 11, quy định bãi bỏ, không kiểm tra đối với 139 mã HS/755 mã HS theo quy định. Điều này càng tạo môi trường thuận lợi hơn nữa trong việc kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp.
Bộ NN&PTNT phấn đấu giảm khối lượng hồ sơ giấy để rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Khánh Linh
Luôn đặt mục tiêu cao hơn về cải cách thủ tục hành chính
Ông Đặng Duy Hiển nhấn mạnh, dù luôn thuộc top đầu những bộ chuyên ngành về đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, nhưng Bộ NN&PTNT vẫn luôn đặt ra các mục tiêu cao hơn ở các năm tiếp theo.
Năm 2021 là năm đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nhưng cũng là năm đầu tiên của chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 của Bộ NN&PTNT. Theo đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo rất sát sao các đơn vị tăng cường đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; tiếp đến là phân cấp cho các đơn vị để đạt mục tiêu giảm 20% thủ tục hành chính.
Để hoàn thành các mục tiêu về cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Đặng Duy Hiển, vai trò của thủ trưởng các đơn vị rất quan trọng trong việc đảm bảo điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin tốt nhất, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã yêu cầu thủ trưởng đơn vị cần quan tâm đầu tư thỏa đáng về con người như đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, phân công, phân nhiệm, quy chế khen thưởng nghiêm minh đối với lực lượng cán bộ làm về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, trang thiết bị trên môi trường mạng phải hoạt động trơn tru, băng thông rộng để người dân và doanh nghiệp nộp được hồ sơ nhanh, chính xác, không bị gián đoạn, nhất là vào chiều thứ 6, ngày nghỉ, không ảnh hưởng tới chất lượng công việc.
Cùng với đó, thủ trưởng đơn vị làm thế nào để hài hòa, an toàn môi trường làm việc khi dịch Covid-19 xảy ra nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn cần phải giải quyết được thủ tục hành chính. Vì vậy, phải có cơ chế xét nghiệm, phân công, phân nhiệm để đảm bảo thông suốt 24/24, nhất là khi cần phải tiêu thụ nông sản tăng thêm vào vụ thu hoạch.
Năm 2022, Bộ NN&PTNT tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ chương trình cải cách hành chính giai đoạn 10 năm (2021-2030), trong đó nổi lên là cải cách thể chế. Theo đó, Bộ này sẽ xem xét lại toàn diện các nghị định, các thông tư, các luật mà có ảnh hưởng đến Luật Đầu tư để hiệu chỉnh, thay thế, và các thủ tục hành chính được quy định trong các văn bản này cũng phải được hiệu chỉnh với tinh thần giảm khối lượng hồ sơ giấy để rút ngắn được các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, trong đó hoàn thiện, đổi mới hệ thống một cửa quốc gia, một cửa liên thông. “Thông qua hệ thống một cửa quốc gia, chúng ta sẽ ngày càng phát triển hoàn thiện hơn nữa để người dân và doanh nghiệp là những người được hưởng lợi trực tiếp từ việc rút ngắn thủ tục hành chính. Bộ NN&PTNT đang và sẽ luôn xác định cải cách thủ tục hành chính giữ vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước phát triển, đủ sức cạnh tranh với nông sản các nước trong khu vực và trên thế giới” – ông Duy Hiển nhấn mạnh.
Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành, tính đến hết ngày 31/5/2025. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt tối thiểu 90%; 90% thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước lĩnh vực Nông nghiệp được công bố, công khai và cập nhật kịp thời; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.