Cải cách thực chất
Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, mở cửa cho doanh nghiệp Việt hội nhập sâu rộng hơn.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân cho rằng Chính phủ cần quyết liệt tháo gỡ những rào cản của thị trường để tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Một số doanh nghiệp may mặc nêu cụ thể những điều kiện kinh doanh vô lý đang đè nặng lên các doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí kinh doanh, như Thông tư số 21/2017/TT-BCT (Thông tư 21) ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, mỗi lần nhập khẩu ứng với mỗi loại vải khác nhau, doanh nghiệp cần các mẫu hợp quy tương ứng.
Điều này là rất tốn kém và không cần thiết. Bởi lẽ có những lô hàng nhập khẩu lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mã sản phẩm thì phải cần tới hàng nghìn mẫu hợp quy sẽ làm khó doanh nghiệp. Điều mà các DN quan tâm là các thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành được cải thiện, thủ tục nào không cần thiết nên cắt bỏ, giảm tải cho doanh nghiệp.
Theo phản ánh của các hiệp hội, thời gian qua, doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản khi gia nhập thị trường, khó tiếp cận vốn ngân hàng và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế, hải quan và những thách thức chi phí lương và bảo hiểm ngày càng cao, chi phí logistics tốn kém...
Các chuyên gia nhìn nhận, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước, khối kinh tế tư nhân giải quyết cho hơn 40% lực lượng lao động. Những khó khăn thường trực của doanh nghiệp tư nhân là nguồn lực, vốn, công nghệ, doanh nghiệp hiện phải chịu lãi suất 8-10%, lãi suất đầu vào lớn hơn các nước ASEAN (4-5%), nên rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, lại yếu về quản trị và kỹ năng làm việc. Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang phải sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp và gây ô nhiễm môi trường. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp tư nhân rất nhỏ, không quá 20 tỷ đồng.
Chính phủ cần cải cách thể chế, môi trường đầu tư, quỹ đất đai, nguồn lực và vốn. Cải cách thể chế cần quyết liệt hơn, có sự thay đổi về chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Cần phải giải quyết triệt để tình trạng "chủ trương đúng, thực hiên sai”, tạo nên một môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh.
Các chuyên gia đề nghị tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với các cấp để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp hoạt động .
Đặc biệt, ngân hàng cần tháo gỡ rào cản về vay vốn để doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Cần phải xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực mang tính chuyên nghiệp để nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh.
Theo một số chuyên gia nước ngoài, Việt Nam cần tạo sân chơi công bằng, loại bỏ điểm nghẽn ngăn chặn kinh tế tư nhân phát triển. Các khu vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng không,... phải được mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư.
Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/cai-cach-thuc-chat-315658.html