Cải cách thuế EU - Bài 1: Khác biệt giữa Mỹ và châu Âu
Mạng tin Gisreportsonline mới đây đăng bài viết của ông Adam Michel, Giám đốc nghiên cứu chính sách thuế tại Viện Cato, cho rằng việc giảm thuế lao động là cần thiết để tăng sức cạnh tranh của EU.
Theo bài viết, khi các nền kinh tế hàng đầu châu Âu
vật lộn với sự suy giảm về đổi mới, sự chú ý đang hướng đến tác động của thuế lao động cao đối với tăng trưởng.
Sau báo cáo của cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi về "Tương lai của sức cạnh tranh của châu Âu", Liên minh châu Âu (EU) đã chú ý hơn đến những thách thức do tăng trưởng năng suất chậm lại, bắt nguồn từ sự suy giảm về đổi mới. Mục tiêu chính của báo cáo là thiết lập một chính sách công nghiệp mới, tập trung vào châu Âu - bao gồm các chương trình trợ cấp đáng kể, điều chỉnh chính sách và thuế quan được thiết kế để bảo vệ các ngành công nghiệp châu Âu từ sự cạnh tranh bên ngoài.
Báo cáo cho rằng thị trường lao động đình trệ của châu Âu cũng là rào cản đối với tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, khuyến nghị về việc "giảm thuế thu nhập một cách phối hợp" đã không được thảo luận nhiều.
Mức thuế cao đối với người lao động của châu Âu làm xói mòn giá trị của vốn con người, dẫn đến thị trường lao động kém năng động hơn. Trong bối cảnh đó, việc giảm thuế suất – không đơn thuần là chuyển thuế từ nguồn này sang nguồn khác, mà ở đó người lao động châu Âu cần đưa nền kinh tế của khối thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện tại.
Có sự khác biệt rõ rệt trong hệ thống thuế giữa các quốc gia công nghiệp phát triển trong
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)
. Ví dụ, trong nhóm các quốc gia này, trung bình một người lao động ở Đan Mạch làm việc ít hơn khoảng 650 giờ mỗi năm so với đồng nghiệp ở Hy Lạp và ít hơn 750 giờ so với người lao động ở Mexico, tương đương với việc giảm hơn 81 và 90 ngày làm việc 8 giờ mỗi năm. Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến những sự khác biệt này, thuế đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích sự khác biệt về mức độ tham gia vào thị trường lao động và số giờ làm việc giữa các quốc gia.
Thuế cao làm suy yếu động lực làm việc, khiến mọi người làm việc ít giờ hơn, nghỉ phép dài hơn, nghỉ hưu sớm hơn và dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động phi thị trường như làm việc nhà và chăm sóc trẻ em. Vì lao động là thành phần quan trọng của mọi hoạt động kinh tế nên việc đánh thuế quá mức sẽ làm giảm sản lượng kinh tế chung. Hơn nữa, thuế suất cao làm nản tinh thần kinh doanh và việc thành lập các doanh nghiệp mới, cả hai đều cần thiết cho tăng trưởng năng suất trong dài hạn.
Trong một bài báo năm 2004, "Tại sao người Mỹ làm việc nhiều hơn người châu Âu?", nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Edward Prescott đã kết luận rằng "hầu như tất cả những khác biệt lớn giữa nguồn cung lao động của Mỹ và của Đức và Pháp đều là do sự khác biệt trong hệ thống thuế".
Một khối lượng lớn các nghiên cứu sau đó đã được xây dựng dựa trên những phát hiện của nhà kinh tế Prescott, xác nhận mối quan hệ tiêu cực mạnh mẽ giữa thuế đánh vào tiền lương và thời gian dành cho công việc. Ví dụ, trong bản tóm tắt tài liệu, các chuyên gia Scott Hodge và Bryan Hickman tuyên bố rằng "hầu hết các nghiên cứu kinh tế có liên quan đã chứng minh mối quan hệ tiêu cực giữa chênh lệch thuế và việc làm". Chênh lệch thuế thể hiện sự khác biệt giữa tổng chi phí lao động mà người sử dụng lao động chi ra và thu nhập ròng mà người lao động nhận được sau thuế.
Để minh họa mối quan hệ giữa thuế và lao động, số giờ làm việc trung bình tại 37 quốc gia thành viên OECD, cùng với tổng mức thuế suất thực tế đối với người lao động không có người phụ thuộc vào năm 2019 (năm gần nhất có dữ liệu cho cả hai yếu tố), cho thấy rằng việc giảm 1% mức thuế suất có thể dẫn đến việc tăng trung bình 50 giờ làm việc, tương đương với khoảng 6 ngày làm việc.
Một người lao động độc thân trung bình không có người phụ thuộc ở các quốc gia OECD phải đối mặt với mức thuế suất trung bình bao gồm thuế thu nhập và tiêu dùng là 41%. Tại 22 quốc gia EU cũng là thành viên của OECD, gánh nặng thuế trung bình tăng lên 47%, trong khi ở Mỹ là 32%. Sự chênh lệch này tương đương với việc người lao động ở Mỹ phải đóng ít hơn khoảng 12.000 USD tiền thuế hàng năm so với những người lao động tương đương ở các quốc gia châu Âu.
Tiếp theo: Cải cách thuế EU - Bài cuối: Giải pháp cho sự thịnh vượng
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cai-cach-thue-eu-bai-1-khac-biet-giua-my-va-chau-au/353805.html