Cải cách tiền lương, phụ cấp thâm niên nhà giáo còn không?
Chiều 19/9, phát biểu bế mạc diễn đàn Kinh tế -Xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.
“Đây là cải cách chứ không phải tăng lương bình thường. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm chúng ta có thể áp dụng là từ 1/7/2024”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chính sách cải cách tiền lương được thực hiện sẽ thay đổi về thu nhập của công chức, viên chức, người lao động trong đó có giáo viên.
Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo đang khá băn khoăn, khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27, phụ cấp thâm niên của nhà giáo có còn không? Nếu bị cắt thâm niên, với những nhà giáo có năm công tác cao liệu thu nhập có bị thụt giảm so với mức nhận được hiện nay?
Phụ cấp thâm niên nhà giáo không còn nữa
Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Điều 76 Luật Giáo dục có ghi rõ về tiền lương của nhà giáo: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018: Phụ cấp đặc thù nghề chính là tên loại phụ cấp được gộp từ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường...).
Như vậy, theo Luật Giáo dục, từ ngày 1/7/2020 phụ cấp thâm niên sẽ bị cắt bỏ khỏi chế độ lương nhà giáo; nhà giáo sẽ hưởng lương theo vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Sẽ còn những khoản phụ cấp nào?
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành. Cụ thể là bãi bỏ 5 loại phụ cấp. Trong đó có một loại phụ cấp giáo viên hiện hưởng đó là phụ cấp thâm niên nghề.
Theo nghị quyết này sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu).
Như vậy, giáo viên sẽ còn được hưởng các khoản phụ cấp ưu đãi theo nghề. Phụ cấp này áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thì được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề dành cho giáo viên.
Phụ cấp đặc thù: Áp dụng với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, đây là quy định tại Điều 1 Nghị định 113/2015/NĐ-CP.
Phụ cấp cho giáo viên dạy người khuyết tật; Căn cứ theo quy định tại Nghị định 113/2015/NĐ-CP, Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH thì giáo viên dạy học cho người khuyết tật được hưởng 2 loại phụ cấp: Phụ cấp trách nhiệm công việc; Phụ cấp ưu đãi công việc.
Phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP các đối tượng này sẽ được hưởng một số phụ cấp như: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên…
Thực hiện cải cách tiền lương giáo viên sẽ thế nào?
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Theo đó, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Nhà nước đã có phương án xây dựng cách tính lương mới sau khi bỏ phụ cấp thâm niên. Theo đó, lương của giáo viên sẽ không giảm mà thậm chí còn có thể tăng do có thêm tiền thưởng.