Cãi chày, cãi cối!
Hai bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ trộm cắp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có xem như ngang ngửa nhau về độ cãi cùn.
Trong vòng 3 ngày, H.V.P.N 5 lần trộm tài sản với tổng trị giá gần 23 triệu đồng, nhưng ra tòa, N. (sinh năm 1983, trú xã Vạn Thắng, Vạn Ninh) vẫn thanh minh phải đi trộm cắp do… nợ nần! Khoản nợ khiến N. “phải” đi trộm cắp là 30 triệu đồng, vay của một người không rõ lai lịch để kinh doanh trầm hương, nhưng làm ăn thua lỗ nên bị cáo mới túng quá hóa liều!
Bị cáo Đ.T.L (sinh năm 1974, trú Vạn Giã, Vạn Ninh) cũng không kém. Dù đã được chủ tọa giải thích nội quy phiên tòa ngay từ đầu, nhưng L. vẫn… nói bất chấp; cắt ngang cả lời thẩm phán và tiếp tục nói ngay cả khi tòa yêu cầu ngừng để nghe câu hỏi. Tuy vậy, toàn bộ lời khai của L. chỉ quanh quẩn vài lý do: Không biết là đồ trộm cắp; thiếu hiểu biết pháp luật; tài sản mua được không mấy giá trị. Đến khi bị dồn hỏi, bị cáo L. cho rằng, do… sợ N. nên không dám hỏi rõ nguồn gốc tài sản.
Nhưng cuối cùng, cả hai đều phải cúi đầu im lặng trước những câu hỏi và phân tích của hội đồng xét xử. N. không thể lý giải chuyện “bất đắc dĩ” trộm cắp nhưng đã có 1 tiền án trộm cắp và từng bị kết án cũng về tội danh này. Sau khi ra tù, N. khai đã chuyên tâm làm nghề phụ hồ, nhưng lại không nói được đã đi làm ở đâu, tiền công bao nhiêu, cũng như vì sao phụ hồ lại đi buôn trầm hương! N. đổ tại nợ nần thúc ép, chủ nợ thu lãi theo tháng, nhưng bị cáo không trộm ngay trước ngày phải trả lãi; cũng không chỉ trộm 1 lần; trộm xong không đem trả lãi mà lại tiêu xài. Chính N. khai, như ở vụ thứ 5, bị cáo đã bán tài sản lấy tiền sửa xe, chi tiêu vặt khác…
Tương tự, bị cáo L. luôn miệng kêu oan, kêu không biết, nhưng lại khai đã cầm đồ 5 năm, hoàn toàn không phải bỡ ngỡ mới ra kinh doanh. Lời khai của L. tại cơ quan điều tra lại thừa nhận bị cáo có nghi ngờ nhưng ham rẻ nên vẫn mua. Và cho dù không có kinh nghiệm buôn bán, người bình thường cũng không thể không nghi ngờ một người liên tiếp mang tới cầm thế, chào bán hàng chục món đồ, trong đó đa số điện thoại, Ipad không mở được do không biết mật khẩu. L. lý lẽ là đã hỏi thì N. nói của bạn, mang đi cầm giùm, bán giùm. Nhưng đây không phải lý do. Nếu mua bán ngay thẳng, người bán chẳng khó khăn gì không hỏi bạn cung cấp mật khẩu mở điện thoại, Ipad để khỏi phải chịu ép giá bán thấp; người mua cũng không dại gì mua món đồ không thể sử dụng được do đã bị khóa mật khẩu.
Nhận phán quyết bác kháng cáo, có lẽ, các bị cáo đã hiểu, không phải cứ “cãi chày, cãi cối” mà được.
TAM THUẬT