Cái chết của bệnh nhân ngộ độc Paraquat khiến bác sĩ ám ảnh
Bác sĩ phải chứng kiến bệnh nhân tỉnh táo nhưng đau đớn tột cùng bởi ảnh hưởng của loại chất độc không có thuốc giải.
- "Sao em lại hành động dại dột vậy cô bé. Em có biết mình vừa thoát chết không", bác sĩ Vũ nghiêm nghị nhìn bệnh nhân 13 tuổi đang nằm ở phòng hồi sức.
- "Ở trường, không ai chơi với em. Ba mẹ thường xuyên la mắng và còn bắt em làm việc nhà đến kiệt sức. Em buồn chán nên không muốn sống", Y.N. (Đồng Nai) nói trong tiếng nấc. Ám ảnh, đau đớn, hối hận là những gì cô bé 13 tuổi đang phải trải qua.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết trước khi uống thuốc diệt cỏ Paraquat, N. đã sống trong tâm trạng u ám ở tuổi mới lớn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hạn chế tiếp cận với thuốc trừ sâu là biện pháp quan trọng nhằm giảm số vụ tự tử. Dù vậy, hàng năm, các bác sĩ vẫn tiếp nhận nhiều ca ngộ độc Paraquat.
Đêm không ngủ ở viện nhi
Gia đình biết N. buồn bực, uất ức nhưng chưa bao giờ nghĩ tới khả năng cô bé tự tử - chuyện vẫn được coi là điều không thể ở những đứa trẻ nông thôn.
Nhưng giữa đêm, không kiềm chế được bản thân sau trận cãi nhau với mẹ, N. uống ngay thuốc diệt cỏ Paraquat để tự tử. Em được gia đình phát hiện trong tình trạng liên tục ói ra chất dịch màu xanh đặc, ôm bụng và quằn quại.
Lại một đêm gần như không ngủ với các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tiếng băng ca kéo ầm ầm, tiếng tít tít liên hồi của monitor theo từng nhịp thở yếu ớt của N. Ngộ độc do Paraquat luôn là những ca cấp cứu đáng sợ với các y bác sĩ.
Ngay khi xác định bé ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat, bác sĩ chuyên khoa II Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, chỉ định thay huyết tương, lọc máu hấp phụ qua cột resin. Lúc này, N. bước sang giờ thứ 15 sau ngộ độc và bắt đầu tổn thương thận. Nhưng may mắn, các bác sĩ giữ được mạng sống cho em.
"Thế nhưng, nhiều đứa trẻ khác cùng mang tâm lý bồng bột và chọn Paraquat như sự giải thoát không may mắn như thế. Với bác sĩ, không ám ảnh nào bằng việc chứng kiến và cấp cứu bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Bởi bệnh nhân phải chịu sự đau đớn và khó chịu đến tột cùng. Nếu cái chết xảy ra, đó là cái chết không êm ái”, bác sĩ Vũ nói.
Ám ảnh
Tiến sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết trong 2 tuần qua, đơn vị này tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc Paraquat.
Trường hợp thứ nhất, người đàn ông 53 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Dù nỗ lực cấp cứu, người này không qua khỏi. Trường hợp thứ hai là cô bé 12 tuổi. Bệnh nhi trải qua quá trình lọc máu nhiều lần để thải độc. Hiện em qua cơn nguy kịch nhưng di chứng để lại rất lớn, đặc biệt ở phổi.
Người còn lại là phụ nữ 66 tuổi, bị ngộ độc Paraquat rất nặng, nồng độ độc chất trong máu rất cao, không có chỉ định lọc máu.
“Cả ba trường hợp ngộ độc Paraquat này đều được người nhà mang (hoặc chụp hình) vỏ chai thuốc cho bác sĩ tham khảo”, TS Tình cho biết thêm.
Ở Việt Nam, rất nhiều ca tự tử vì trầm cảm hay suy nghĩ bồng bột. Thế nhưng, nạn nhân chọn cách kết liễu cuộc đời bằng độc chất diệt cỏ Paraquat luôn khiến bác sĩ ám ảnh nhất.
“Những đứa trẻ tuổi mới lớn chọn thuốc diệt cỏ, trừ sâu, thuốc ngủ, thậm chí là thuốc giảm đau để chấm dứt sự sống thường chỉ vì câu nói, thái độ thiên vị vô tình của người lớn. Khi mâu thuẫn đó không được giải quyết, chúng tôi phải chứng kiến đứa trẻ đau đớn trên băng ca cùng những tiếng la thất thanh của người lớn bên ngoài phòng cấp cứu.
Ngoài những trường hợp may mắn được cứu sống, không ít cái chết đau đớn vì lượng độc chất quá nhiều, y học không thể can thiệp. Điều này khiến những bác sĩ hồi sức, chống độc xót xa và ám ảnh”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Paraquat là loại hóa chất diệt cỏ cực độc, khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương tất cả cơ quan đường tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần, không thể hồi phục.
Người bệnh sẽ tỉnh táo cho đến khi chết vì suy hô hấp, suy gan, suy tạng. Nhiều bệnh nhân sau khi được rửa dạ dày, các triệu chứng buồn nôn, đau rát họng giảm nên cho rằng đã hết ngộ độc. Tuy nhiên, sau 5-7 ngày, thậm chí đến ba tháng, họ bị suy hô hấp mà chết.
Các biện pháp hạn chế hấp thu và đào thải độc chất chỉ có hiệu quả khi được thực hiện trong 5 giờ đầu sau khi uống độc chất. Điều này cho thấy ngộ độc Paraquat chiếm tỷ lệ tử vong khá cao, từ 58-90%.
Việc áp dụng các biện pháp lọc máu, giải độc, rửa dạ dày..., tỷ lệ sống sót của nạn nhân chỉ khoảng 30%. Trong khi đó, các loại ngộ độc khác như thuốc trừ sâu, ngộ độc thực phẩm, thuốc…, tỷ lệ này chỉ 1%.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết các bệnh nhân ngộ độc Paraquat dù sớm hay muộn cũng sẽ tiến triển đến suy hô hấp nhưng lại không thể điều trị bằng thở oxy, vì khi đó sẽ sản sinh ra loại chất độc hơn khiến phổi xơ nhanh hơn.
"Bệnh nhân tử vong do Paraquat gia tăng là nỗi ám ảnh với bác sĩ. Bởi chính bác sĩ là người chứng kiến những giây phút cuối cùng của họ. Cận kề cái chết, bệnh nhân ngộ độc Paraquat vẫn tỉnh táo trong tình trạng khó thở, đau đớn, vật vã. Họ tỉnh đến lúc chết với hơi thở rít lên từng hồi. Đó là những hình ảnh rất xót xa, là nỗi ám ảnh đối với cả bác sĩ lẫn thân nhân người bệnh", tiến sĩ Nguyên nói.
Tại Việt Nam, thuốc diệt cỏ Paraquat được đăng ký sử dụng trong bảo vệ thực vật từ năm 1993. Tuy nhiên, việc sử dụng trong điều kiện dễ gây phơi nhiễm qua da và hô hấp khiến không ít người phải nhập viện vì ngộ độc. Nguy hiểm hơn, Paraquat còn được sử dụng với mục đích cực đoan, ngoài khuyến cáo của nhà sản xuất - tự tử và đầu độc.
Ngày 8/2/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường ban hành quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Quyết định dựa trên các bằng chứng khoa học khẳng định các hoạt chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường.
Hiện nay, trên thế giới, Paraquat đã bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia ở châu Âu, Kuwait, Bờ Biển Ngà, Syria, Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất (UAE) và các nước nông nghiệp của châu Á như, Ấn Độ, Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc…, do những ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tại Việt Nam, thời hạn giải quyết hàng tồn dư sản phẩm “cỏ cháy” được cho là đến hết tháng 2/2019. Tuy nhiên, đến nay, nhiều vụ ngộ độc, tự tử do Paraquat vẫn xuất hiện nhiều nơi, chứng tỏ chất độc chết người này vẫn chưa hoàn toàn được loại bỏ trong đời sống, đặc biệt tại các vùng nông thôn.
Khi tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc nói trên, tiến sĩ Hoàng Công Tình bày tỏ sự ngạc nhiên bởi các loại thuốc diệt cỏ Paraquat nằm trong danh mục cấm sử dụng. Tuy nhiên, người dân vẫn dễ dàng có được loại hóa chất độc hại này.
"Để tránh những ca ngộ độc đáng tiếc xảy ra trong tương lai, theo tôi, nên nghiêm cấm bán và sử dụng thuốc diệt cỏ Paraquat. Những thuốc còn đang lưu hành, cần phải được thu hồi và tiêu hủy ngay", TS Tình nói.
Trở lại câu chuyện của Y.N., cô bé được cứu sống sau nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ. Giờ đây, vẻ mặt thất thần của em đã khởi sắc và tươi tắn hơn hẳn ngày nhập viện.
“Chứng kiến cảnh cha mẹ lăn dài nước mắt mỗi khi nhìn em từ xa qua cánh cửa cách ly và những bạn nhỏ đang chiến đấu cho sự sống dù phải bao bọc xung quanh bởi vô vàn máy móc, cô bé đã bật khóc với chúng tôi. Thật may rằng em hối hận vì hiểu rằng cuộc sống quý giá biết bao”, bác sĩ Vũ Kể.