Cái chết của bộ suit nam

Những bộ suit chưa biến mất khỏi giới thời trang. Kiểu trang phục này vẫn tồn tại và đang thay đổi để thích nghi.

Bỏ cà vạt, nới lỏng cổ áo sơ mi, phối cùng sneakers... là những cách nhiều người áp dụng để đổi mới bộ suit.

Hồi chuông cảnh báo vest nam không còn được ưa chuộng vang lên khi The Guardian đưa tin bộ suit bị loại bỏ khỏi rổ hàng hóa được sử dụng để tính tỷ lệ lạm phát hàng năm.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết bộ vest luôn có mặt trong rổ hàng kể từ năm 1947. Hiện nay, nó không còn nằm trong danh sách 733 mặt hàng đại diện được lựa chọn để đo lường chi phí sinh hoạt của Anh. Những bộ suit lịch lãm được thay thế bằng áo khoác hoặc blazer sang trọng.

 Phom dáng quá khổ giúp suit nam nhìn hiện đại hơn. Bên cạnh đó, yếu tố này gây tranh cãi. Ảnh: GQ.

Phom dáng quá khổ giúp suit nam nhìn hiện đại hơn. Bên cạnh đó, yếu tố này gây tranh cãi. Ảnh: GQ.

Sự suy yếu của suit nam

Theo GQ, trong 15 năm qua, nhiều người đã dự đoán về "cái chết của bộ suit". Số liệu từ Kantar Worldpanel - một nền tảng nghiên cứu thị trường - cho thấy doanh số bán suit giảm từ 460 triệu bảng năm 2017 xuống còn 157 triệu bảng vào năm 2020. Vào năm 2021, doanh số phục hồi nhẹ lên 279 triệu bảng.

Gia đình của Simon Cundey đã may suit nam trong 7 thế hệ. Cundey, người làm việc tại công ty gia đình, cho biết: "Tính đến nay, đại dịch là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà doanh nghiệp từng phải đối mặt".

Marks & Spencer, doanh nghiệp chuyên kinh doanh suit, đã giảm số lượng cửa hàng từ 245 xuống còn 110. Giám đốc phụ trách trang phục nam, Wes Taylor, cho biết doanh thu suit giảm kể từ năm 2019. Công ty đang tập trung tách set suit thành quần và áo riêng để bán. Các thiết kế của công ty được phối cùng trang phục ít trang trọng hơn để thu hút người mua.

Andy Saxton, Giám đốc chiến lược về thời trang tại Kantar, không kỳ vọng thị trường quần áo công sở sẽ hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, Andy Saxton khẳng định mọi người sẵn sàng chi tiền mua vest cho những dịp quan trọng như đám cưới, tiệc.

 Nhiều doanh nghiệp may, kinh doanh suit bị ảnh hưởng. Ảnh: The Guardian.

Nhiều doanh nghiệp may, kinh doanh suit bị ảnh hưởng. Ảnh: The Guardian.

Anh khẳng định mọi người không muốn chi tiền cho một bộ đồ chỉ để mặc trên văn phòng. "Các khách hàng muốn quần áo có tính linh hoạt và đa dụng", Andy Saxton cho biết.

Đổi mới để tiếp tục tồn tại

Những bộ suit vẫn tồn tại nhưng đang được đổi mới. Bộ đồ từ Balenciaga được Justin Bieber mặc trên thảm đỏ Grammy là một ví dụ điển hình. Nam ca sĩ phối thiết kế quá khổ cùng mũ beanie màu hồng và đôi crocs cách điệu.

Bên cạnh đó, khoảnh khắc Timothee Chalamet để ngực trần khi diện áo khoác của Louis Vuitton gây ấn tượng sâu sắc với khán giả. GQ nhận định chiếc áo khoác crop top vẫn mang phom giống bộ suit. Trước đó, bộ suit Timothee Chalamet diện tại Venice Film Festival, được thiết kế bởi Haider Ackermann, đã thay đổi cách nhìn của số đông khán giả về một bộ suit.

 Bộ suit Timothee Chalamet diện tại Venice Film Festival gây chú ý nhờ phom dáng khác lạ. Ảnh: Getty.

Bộ suit Timothee Chalamet diện tại Venice Film Festival gây chú ý nhờ phom dáng khác lạ. Ảnh: Getty.

Hình ảnh của Justin Bieber và Timothee Chalamet ảnh hưởng đến tư duy chọn suit của giới trẻ. Ngoài ra, tác phẩm của Kim Jones cho Dior cũng góp phần đổi mới hình ảnh về một bộ suit. Mẫu áo khoác 2 hàng khuy được Jay Z và Robert Pattinson diện tại các sự kiện lớn.

Điểm chung trong những bộ suit được Justin Bieber và Robert Pattinson diện gần đây là phom dáng quá khổ và không có cà vạt. Đây là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt so với những bộ suit truyền thống. Trước đây, nam giới coi trọng yếu tố vừa vặn khi đặt may một bộ suit. Trong khi đó, cà vạt là món phụ kiện không thể thiếu.

Trước sự đổi mới của bộ suit, tờ Inside Hook nhận định thời của những bộ vest đen đơn giản đã qua. Giờ đây, trang phục nam giới biến thành hỗn hợp của những màu sắc hoang dã, áo khoác quá khổ và trang phục không đề cao sự trang trọng.

Giai Kỳ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-bo-suit-nam-post1313207.html