Cái chết của đàn thiên nga

Chúng ta hẳn còn nhớ chuyện ầm ỹ về đàn thiên nga 12 con được TP. Hà Nội nhập về thả ở Hồ Gươm. Sau khi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, những con thiên nga được giao cho Công ty thoát nước nuôi dưỡng và nhân giống.

Sau 4 năm, đàn thiên nga đã chết một nửa và trứng ấp không nở. Nó là cái chết của những giấc mơ nông nổi.

Tôi không ở trong nhóm những người dè bỉu TP. Hà Nội khi mang đàn thiên nga thả xuống Hồ Gươm năm 2018. Với tôi, sự xuất hiện của những sinh vật sống ở một không gian công cộng trong đô thị, cho dù đó là vịt hay thiên nga, đều là điều thú vị.

Nhưng tôi cũng không bất ngờ khi nghe tin đàn thiên nga quý giá ấy đã chết dần và chỉ còn một nửa.

Những con thiên nga ấy, nếu không chết vì những lưỡi câu như thông cáo báo chí thì cũng trầm cảm vì bị nuôi nhốt, bị cắt cánh để không thể bay.

Và dù nó có được sống tự nhiên, dù không bị ám hại, thì ở thành phố Hà Nội này cũng đâu còn sinh cảnh phù hợp với đời sống của nó.

Tôi rất đồng cảm với mong muốn nhìn thấy những loài thủy cầm trong sông hồ thành phố. Một thành phố từng được ngợi ca là thành phố của những mặt hồ, thành phố đi vào huyền thoại với “đàn sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” thì thật đáng buồn khi không còn nhìn thấy những bóng dáng thủy cầm.

Nhưng, cưỡng chế, cắt cánh, ép buộc những sinh vật tuyệt vời đó để chúng buộc phải làm dáng cho ẩn ức thị dân, chẳng phải là điều hay.

Đất lành thì chim đậu. Người xưa nói về điều đó chẳng hề sai. Đã từng có thời, những cánh đồng Bắc Bộ hầu như không có một bóng cò để bay lả bay la trong câu hát ru. Bởi những năm tháng thiếu thực phẩm của thời bao cấp.

Nhưng rồi, gần đây, dù nạn săn bắt, ăn thịt chim trời vẫn còn, nhưng những đàn cò đã trở lại. Bởi vì nhiều người đã biết yêu môi trường hơn, và bởi vì nhận thức về việc lạm dụng thuốc sâu, thuốc diệt cỏ cũng đã có những sự thay đổi.

Đàn thiên nga thời điểm thả xuống hồ Thiền Quang năm 2018. Ảnh: Tiền Phong

Đàn thiên nga thời điểm thả xuống hồ Thiền Quang năm 2018. Ảnh: Tiền Phong

Hà Nội, với mong muốn gợi nhớ những ký ức vàng son của một kinh thành bên sông và những đầm nước rộng, với mong muốn hình ảnh hóa danh xưng Thành phố Hòa bình, thì việc những đàn chim xuất hiện trong thành phố là điều tuyệt vời. Nhưng, đó là sự xuất hiện không thể cưỡng cầu.

Nó luôn vẫn là quả phúc tự nhiên của một miền đất.

Dù đa số ao hồ tự nhiên ở nội thành Hà Nội giờ đây đã bị bê tông hóa, hoặc đã ô nhiễm và bị con người san lấp, lấn chiếm. Nhưng nếu mong muốn về những cánh chim trời đủ lớn, thì vẫn chưa muộn. Chưa muộn để phục hồi những hồ nước, đưa chúng trở lại dạng thức bán tự nhiên bằng việc cải thiện nguồn cấp nước, trồng cây thủy sinh.

Chưa muộn để giữ được vùng đệm an toàn cho những hồ nước còn chưa bị san lấp, để cải tạo và gìn giữ, biến chúng thành công viên bán tự nhiên, nơi mà sinh vật còn có thể sinh sống, và tương tác với nhau.

Chưa muộn để những bờ bãi sông Hồng được quy hoạch thành công viên tự nhiên với hệ sinh thái ven bờ, thay vì trở thành những công viên chủ đề kết hợp quá nhiều dịch vụ đô thị.

Khi đó, những đàn chim sẽ trở về, hoặc những đàn chim được nhập về có thể tái định cư và sống cuộc đời của nó chứ không phải để bị cầm tù.

Chúng ta luôn có lựa chọn cho mong ước của mình. Nhưng chúng ta không thể lựa chọn kết quả ngược với những điều chúng ta đang làm. Chúng ta mong muốn nhìn thấy những đàn chim, điều đó không khó.

Nhưng chúng ta không thể nhìn thấy những đàn chim, khi mà chúng ta chỉ muốn tước đoạt không gian sống của nó./.

Phạm Trung Tuyến/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/blog/cai-chet-cua-dan-thien-nga-post987499.vov