Cái chết của một gia đình nghèo trong trận lụt lịch sử ở Seoul
Cuộc sống cơ cực của người nghèo Hàn Quốc trở nên rõ nét hơn sau cái chết của một gia đình trong trận mưa tối 8/8 tại Seoul.
16h40 ngày 8/8, cô bé 13 tuổi nhắn tin cho bà ngoại đang điều trị ở bệnh viện. Em bày tỏ sự nhớ nhung, nói rằng vẫn cầu nguyện mỗi ngày để bà mau bình phục.
Người bà không biết đó là lần cuối cùng được trò chuyện cùng cháu gái, New York Times đưa tin.
4 tiếng đồng hồ sau, trận ngập lụt lớn nhất lịch sử trong 80 năm qua ở Hàn Quốc nhấn chìm nhiều khu vực, trong đó có căn nhà bán hầm của gia đình cô bé. Mẹ và dì em cũng mắc kẹt và tử vong. Phải đến khi đội cứu hộ tháo nước toàn khu vực vào sáng 9/8, thi thể họ mới được tìm thấy.
Gia đình 3 người chuyển đến khu vực này 7 năm trước. Họ xem đây là lựa chọn tối ưu nhờ giá thuê nhà rẻ, lại gần trung tâm phúc lợi hỗ trợ chăm sóc chị gái mắc hội chứng Down. Dù biết đây là vùng trũng, dễ ngập lụt, cả gia đình vẫn không lo lắng nhiều.
Trận mưa lũ kéo dài từ 8/8 đến 10/8 khiến khiến 6 người mất tích và ít nhất 9 người chết.
Sự kiện này góp phần tô đậm cuộc sống khó khăn của người nghèo đô thị tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, sự phân biệt giàu nghèo và khủng hoảng nhà đất lại nhanh chóng trở thành đề tài tranh cãi của người dân xứ củ sâm.
Nỗ lực thoát thân
Theo hàng xóm và các đơn vị cấp cứu, dòng nước đổ xuống mạnh đến nỗi gia đình không thể mở được cánh cửa duy nhất để chạy trốn.
Người mẹ la hét, dùng sức đập cửa để cầu cứu. Những người sống gần đó đã cố gọi 119 nhưng không được nối máy. Tổng đài khẩn cấp tắc nghẽn khi phải vài nghìn cuộc gọi tương tự.
Hàng xóm tìm mọi cách để giải cứu gia đình này. Họ nỗ lực đập vỡ cửa sổ nằm ngang mặt đường, nhưng 3 người không thể chui qua tấm lưới chống trộm.
“Tôi hoảng hốt chạy về nhà ngay khi nhận tin căn nhà bán hầm của mình đang ngập trong nước. 3 đứa con gái của tôi may mắn được kéo ra ngoài kịp lúc. Ước gì tôi có thể giúp đỡ những người phụ nữ đó. Chẳng ai kịp làm gì vì nước dâng quá nhanh. Đây thật sự là một nỗi đau khó bù đắp”, Jeon Ye-sung, cư dân khu vực, nói.
Hong Seok-cheol, hàng xóm của ông Jeon, rời nhà vào 19h45 để cùng vợ đi ăn tối. 40 phút sau, họ trở về và bàng hoàng với con hẻm ngập nước.
“Lúc đó mưa tuôn xối xả. Đường ống thoát nước ngầm không chịu được áp lực nên vỡ ra. Điều đó càng khiến khiến trận lụt nghiêm trọng hơn. Nếu còn ở nhà, chắc chắn vợ chồng tôi khó lòng qua khỏi”, người đàn ông 46 tuổi bày tỏ.
Seoul luôn được biết đến với mức giá thuê nhà cao ngất ngưởng. Thành phố này cũng tập trung nhiều tòa chung cư cao cấp xây dựng bởi các tập đoàn nổi tiếng toàn thế giới.
Trong khi đó, người nghèo ở các thành phố lớn tại Hàn Quốc thường sống trong banjiha (từ tiếng Hàn chỉ căn hộ bán hầm). Họ phải vật lộn để tìm việc làm, tiết kiệm tiền và giáo dục con cái để vượt qua sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Hậu quả khó khắc phục
Những năm gần đây, chính quyền thành phố đề xuất cung cấp máy bơm và các thiết bị khác để chống lũ lụt cho các hộ dân này.
Hệ thống cống rãnh ở các quận đất trũng được cải thiện để giúp thoát nước nhanh hơn. Chính phủ cũng xây dựng hệ thống căn hộ công với giá thuê thấp để hỗ trợ di dời người sống ở nhà bán hầm.
Dù vậy, hàng nghìn gia đình thu nhập thấp vẫn nơm nớp nỗi lo lũ lụt. Họ cố xây những con đê nhỏ bằng bao cát để bảo vệ nơi ở. Theo số liệu khảo sát năm 2020, có 500 gia đình bán hầm ở hai quận phía tây nam Seoul. Trong đó, hơn 250 hộ dân cho biết nhà của họ thường xuyên bị ngập mỗi khi vào mùa mưa.
Ngày 9/8, tổng thống Yoon Suk-yeol đến thăm khu vực sinh sống của gia đình ba người thiệt mạng. Ông Yoon phải ngồi xổm, cúi thấp người mới nhìn được vào nhà qua cửa sổ ngang mặt đường. Nơi họ ở vẫn ngập trong nước lũ cao đến thắt lưng. Bên trong, gối, bàn ghế và túi ni-lông nổi lềnh bềnh.
Choi Tae-young, người đứng đầu Trụ sở phòng cháy và thảm họa Seoul, cho rằng nước mưa chặn cửa nhà là lý do khiến hộ dân thiệt mạng. Tuy nhiên, cư dân khu vực khẳng định lỗi thuộc về chính quyền khi không đưa ra cảnh báo kịp thời.
Trong cuộc họp với những đơn vị ứng phó khẩn cấp ngày 10/8, tổng thống Hàn Quốc gọi đây là “trận lụt kinh khủng nhất trong suốt 115 năm”. Ông yêu cầu các bên liên quan gấp rút xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai.
“Người nghèo luôn là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất từ những sự kiện như thế này. Chỉ khi nào họ được đảm bảo an toàn, đất nước mới thật sự ổn định”, ông Yoon nói thêm.