'Cái chết của Napoléon': Điều ám ảnh trong giây phút trút hơi thở cuối cùng của bậc thầy quân sự Pháp
Ngày Napoléon trút hơi thở cuối cùng, có một người đã ám ảnh khôn nguôi.
Napoléon Bonaparte qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 1821, trên hòn đảo St. Helena xa xôi ở Nam Đại Tây Dương. Đối với liên quân Anh, Hà Lan và Phổ, những người đã đày ải ông ở đó vào năm 1815, thì ông là một kẻ chuyên quyền. Nhưng đối với Pháp, ông được xem như là một tín đồ của Khai sáng - một phong trào tri thức triết học chi phối tư tưởng châu Âu vào thế kỷ 17 và 18.
Trong thập kỷ sau khi ông qua đời, hình ảnh của Hoàng đế Napoléon đã trải qua một sự thay đổi lớn ở Pháp. Chế độ quân chủ đã được khôi phục, nhưng đến cuối những năm 1820, nó ngày càng không được ưa chuộng. Vua Charles X (tại vị từ 1824-1830) được coi là mối đe dọa đối với các quyền tự do dân sự được thiết lập trong thời đại Napoléon.
Sự ngờ vực này đã làm sống lại danh tiếng của Napoléon và đưa vị hoàng đế này trở nên "vĩ đại và anh hùng" hơn bao giờ hết.
"Ám ảnh" sâu sắc với cái chết của nhà lãnh đạo Pháp đã khiến Charles de Steuben (1788-1856), một họa sĩ trường phái lãng mạn gốc Đức sống ở Paris, làm cho sự kiện này (cái chết của hoàng đế Pháp Napoléon) trở nên bất tử.
Bức tranh của Charles de Steuben mô tả khoảnh khắc Napoléon Bonaparte qua đời và người họa sĩ tìm cách ghi lại cảm giác kinh hoàng trong căn phòng trước cái chết của một người đàn ông có sự nghiệp huyền thoại bắt đầu từ trong Cách mạng Pháp (1792-1802).
Napoléon tự xưng là Lãnh sự đầu tiên của Pháp vào năm 1799 và sau đó là Hoàng đế vào năm 1804. Trong thập kỷ tiếp theo, ông đã lãnh đạo nước Pháp chống lại một loạt liên minh châu Âu trong Chiến tranh Napoléon và mở rộng đế chế của mình trên khắp lục địa châu Âu trước khi thất bại vào năm 1814.
Có lẽ sẽ không có gì ngạc nhiên khi một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại nhất của lịch sử cần phải bị lưu đày 2 lần. Sau khi thoát khỏi thời kỳ đầu tiên bị giam giữ trên đảo Elba, Địa Trung Hải, Napoléon đã nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát nước Pháp trong thời gian được gọi là Trăm ngày (Hundred Days).
Tuy nhiên, ông nhanh chóng mất quyền lực khi các đồng minh châu Âu thành lập Liên minh thứ bảy và đánh bại ông tại Waterloo. Thất bại này lên đến đỉnh điểm là cuộc lưu đày lần thứ hai của ông vào năm 1815, lần này là trên đảo St. Helena...
Sức mạnh quân sự của Napoléon khiến mọi kẻ thù của ông phải sợ hãi và chùn bước - trong khi đó những cải cách dân sự của ông ở Pháp đã mang lại cho ông sự kính trọng của người dân.
Bộ luật Napoléon, được ban hành vào năm 1804, đã thay thế hệ thống pháp luật chắp vá hiện có của Pháp bằng một hệ thống quốc gia thống nhất được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của Thời kỳ Khai sáng: Nam giới phổ thông đầu phiếu, quyền sở hữu, bình đẳng (cho nam giới) và tự do tôn giáo.
Ngay cả trong cuộc lưu đày cuối cùng của mình trên đảo St. Helena, Napoléon vẫn nhận được đầy đủ sự kính trọng của người đời. Người trên những con tàu cập bến để tiếp tế sẽ nhanh chóng đến gặp vị tướng quân vĩ đại và tỏ lòng tôn kính dù cho ông có bị tiếng là lưu đày.
Khoảng thời gian cuối đời, ông đã phát triển mối quan hệ hữu hảo với những người đã cùng ông đi đày. Mặc dù một số suy đoán rằng ông đã bị sát hại, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng cái chết của Napoléon vào năm 1821, ở tuổi 51, là kết quả của bệnh ung thư dạ dày.
Nỗi buồn giấu kín
Là con trai của một sĩ quan quân đội, Charles de Steuben sinh năm 1788, tuổi trẻ và quá trình đào tạo nghệ thuật của ông trùng với thời điểm Napoléon lên nắm quyền. Việc miêu tả những khoảnh khắc quan trọng cuối cùng, kết thúc một cuộc đời binh nghiệp đầy ấn tượng của Napoléon đã khiến họa phẩm "The death of Napoléon" trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thời đại,
Sử dụng các mối liên hệ cấp cao của mình với các nhân vật thân cận của Napoléon, Charles de Steuben đã phỏng vấn và phác thảo nhiều người đã có mặt khi Napoléon trút hơi thở cuối cùng tại Longwood House trên đảo St. Helena.
Cẩn thận nghiên cứu về đồ đạc và cách bài trí của căn phòng, người họa sĩ gốc Đức đã vẽ một khung cảnh đau buồn giấu kín được bố cục cẩn thận.
Đáng chú ý trong số các nhân vật là Tướng Henri Bertrand, người đã trung thành theo Napoléon đi lưu vong; Vợ của Henri Bertrand - Fanny; và những đứa con của họ. Tất cả đều là những người mà Napoléon rất yêu quý khi còn sống.
Hình ảnhTướng Henri Bertrand quỳ gục xuống sàn trở nên ám ảnh người xem. Khoảnh khắc ấy được họa sĩ khắc trọn vẹn, có thể chạm đến trái tim của những người yêu mến Napoléon.
Kiệt tác bất tử
Phiên bản nổi tiếng nhất của “The death of Napoléon” được hoàn thành vào năm 1828 khi họa sĩ vẽ nó tròn 40 tuổi - và 7 năm sau cái chết của Napoléon.
Nhà văn Pháp Stendhal coi đây là “một kiệt tác diễn đạt”. Một tầm nhìn hùng vĩ xuyên thấu kiệt tác tái tạo lịch sử của họa sĩ Steuben.
Năm 1830, việc thiết lập một chế độ quân chủ tự do hơn ở Pháp càng làm tăng thêm sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với Napoléon, người đột nhiên trở thành một nhân vật được yêu thích cuồng nhiệt trong sân khấu, nghệ thuật và âm nhạc.
Sự nhiệt thành này đã dẫn đến sự lan tỏa của hình ảnh Napoléon nằm trên giường [của họa sĩ Charles de Steuben] dưới dạng các bản khắc, lan tỏa trên khắp châu Âu vào những năm 1830.
Tác giả người Pháp François-René de Chateaubriand đã viết rằng: Napoléon sở hữu “hơi thở mạnh mẽ nhất của cuộc sống, có thể làm sống động cả hình người trong đất sét”.
Ngày nay, tác phẩm "The death of Napoleon" được treo trong Bảo tàng Napoléon tại Cung điện Arenenberg ở Thụy Sĩ, nơi ở trước đây của con gái riêng của Napoléon - Hortense.
Còn ngôi nhà Longwood House trên hòn đảo St. Helena xa xôi ở Nam Đại Tây Dương hiện là một viện bảo tàng, lưu giữ nhiều bức tranh, tượng quý giá.