Cái chết Đen từ hơn 600 năm trước: Sau đại dịch, kinh tế hoàng kim, con người sống tận hưởng, xa xỉ
Dịch hạch là một trong những thảm họa lớn nhất lịch sử nhân loại nhưng về lâu dài. nó đã ảnh hưởng tốt đến sự phát triển kinh tế. Đây là nghịch lý hậu quả lâu dài của dịch bệnh.
Dịch hạch bùng phát ở châu Á và châu Âu vào thế kỷ 14 mà đỉnh điểm là châu Âu. Dịch bệnh lây lan rất nhanh, hồi đó con người chưa tìm được nguyên nhân của bệnh này và cũng không có thuốc điều trị.
Đại dịch này sau được gọi là Cái chết Đen, là một trong những tai họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Có lẽ đã có tới một phần ba dân số châu Âu, tức ít nhất là 25 triệu người tử vong. Một số nước như Pháp và Ý mất tới một nửa dân số.
Sau dịch hạch là thời hoàng kim đối với lao động
Theo tờ Süddeutsche Zeitung (Đức), dù tới nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hơn 150.000 người tử vong trên toàn thế giới nhưng xét về quy mô, dịch Covid-19 hiện nay hoàn toàn chưa thể so sánh với nạn dịch hạch thời kỳ Trung Cổ.
Tuy nhiên, nó vẫn có điểm quan trong để so sánh. Về lâu dài, các dịch bệnh thường gây bất ngờ về hậu quả đối với nền kinh tế. Bệnh dịch hạch là một ví dụ tốt nhất cho nhận định này. Về ngắn hạn, hậu quả của dịch hạch đối với kinh tế và xã hội là rất khủng khiếp.
Năm 1350, sau khi đến thăm Roma, nhà thơ Francesco Petrarca đã viết: "Nhà cửa đổ nát, tường thành bong tróc, đền đài hoang tàn, thánh địa sụp đổ, luật pháp bị chà đạp". Khác với Covid-19, bệnh dịch hạch chủ yếu ảnh hưởng tới giới trẻ, do đó thiệt hại về kinh tế càng lớn hơn.
Tuy nhiên về lâu dài, có một nghịch lý là, sau thảm họa những người sống sót có đời sống về cơ bản tốt hơn trước và nền kinh tế châu Âu đã phát triển nhanh chóng hơn. Thời kỳ Trung cổ chưa có công nghiệp, cuộc sống sung túc của con người lệ thuộc vào diện tích đất canh tác mà người ta có. Ít người hơn đồng nghĩa với nhiều đất đai hơn màu mỡ hơn - tức ít đói khổ hơn và tiền lương thực tế cao hơn.
Tiền lương cao hơn không những bảo đảm cho sự tồn tại của người lao động, nhiều người lúc này có thể mua sắm cả những sản phẩm đắt tiền sản xuất ở thành phố. Điều này thúc đẩy quá trình đô thị hóa, lưu thông tiền tệ và tiền thuế tăng nhanh.
Nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Hans-Joachim Voth thuộc Đại học tổng hợp Zürich nhận định: "Dịch hạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến khoảng cách lớn giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới".
Các nhà lịch sử hiểu khái niệm khoảng cách lớn với thực tế là, chậm nhất sau năm 1700, nền kinh tế của châu Âu có năng suất cao hơn nhiều so với các nền văn hóa khác như Trung Quốc và Ả rập.
Nhóm chuyên gia của ông Voth đã công bố một nghiên cứu mô tả sự tương quan này: Sự giảm sút dân số vì nạn dịch hạch lớn đến mức, không thể nhanh chóng bù đắp bằng tăng cường dân số. Do đó, lao động vừa khan hiếm vừa đắt đỏ: "Lục địa già trải qua thời kỳ hoàng kim đối với lao động trong một vài thế hệ", tài liệu này viết.
Báo Đức cho biết, vào thời kỳ đó, những người sống sót nhận được nhiều lợi thế do dân số giảm khi diện tích đất đai trên đầu người tăng, người dân no đủ hơn. Những người giàu có có thể mua sắm hàng hóa xa xỉ nhiều hơn, điều này góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Sự nổi lên của gia đình nhà Fugger ở thành phố cổ Augsburg là một ví dụ điển hình cho thời kỳ hậu dịch.
Sau đại dịch không lâu vào năm 1367, Hans Fugger, là con trai của một gia đình nông dân ở Graben, Lechfeld ra thành phố Augsburg làm thuê cho một gia đình làm nghề dệt vải bằng sợi lanh. Hans pha trộn sợi lanh với sợi bông nhập khẩu từ nước Anh và dệt thành một loại vải nhung sang trọng và từ đó đặt nền móng cho đế chế gia đình Fugger tồn tại hàng trăm năm.
Lạm phát ở châu Âu cũng giảm, nhà nghiên cứu lịch sử Paul Schmelzing trong một bài viết cho viết: Trong giai đoạn từ 1360 đến 1460, lạm phát từ 1,58 %/năm giảm xuống chỉ còn 0,65%. Có nghĩa là hàng hóa không tăng giá, điều này làm người dân không còn phải lo lắng.
Dịch hạch cũng góp phần làm thay đổi sự tiêu dùng của người dân. Theo Schmelzing, ám ảnh về cuộc sống có thể chấm dứt đột ngột vì dịch bệnh khiến người ta nguyện tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi mà họ đang có. Hậu quả là trong thời gian từ 1350 đến 1450, tỷ lệ tài sản dành cho tiêu dùng tăng mạnh. Một dấu hiệu cho điều này là luật lệ cấm xa xỉ quá đà mà các thành phố ở Ý đã ban hành. Ví dụ, vào năm 1430, thành phố Venice đã ra quy định về chiều cao của gót giày của phụ nữ.
Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu thì đây là tiền đề cho sự kết thúc của thời kỳ Trung cổ và tiến vào thời kỳ Phục hưng. Lương cao không nhất thiết đồng nghĩa với đời sống cao của người dân thời đó.
Trong thực tế, các bậc vua chúa lợi dụng doanh thu thuế cao để tiến hành các cuộc chiến tranh liên miên. Các đô thị ngày một lớn hơn nhưng cuộc sống ở đô thị lại rất không lành mạnh: Người và động vật sống liền kề với nhau, người dân đại tiểu tiện ngay lề đường và hệ thống tường thành hạn chế sự tăng trưởng về không gian. Chiến tranh, đô thị hóa và nhập khẩu dịch bệnh đồng hành với sự tiến bộ của châu Âu.
Trước và sau Cái chết Đen, nhân loại đã bị dịch bệnh tấn công không ít lần. Hậu quả về kinh tế và chính trị của các dịch bệnh này đều không thể dự báo trước. Năm 542 bùng nổ bệnh dịch hạch ở Constantinopolis. Đại dịch này đã hoành hành toàn bộ khu vực Địa Trung Hải và có thể nó đã thúc đẩy sự trỗi dậy của đế chế Hồi giáo một trăm năm sau đó.
Cúm Tây Ban Nha bùng phát vào cuối Thế chiến I có ý nghĩa quan trọng trong ký ức chung của người dân châu Âu và Bắc Mỹ. Về con số tuyệt đối, nó nghiêm trọng hơn nhiều so với Cái chết Đen: Ít nhất đã có 500 triệu người, tức một phần tư dân số trên trái đất thời đó đã bị lây nhiễm với hơn 50 triệu người tử vong, nhiều hơn hẳn số người tử nạn trong chiến tranh.
Tuy nhiên, hậu quả kinh tế của đại dịch này lại không đáng kể. Theo ước tính của Bộ Tài chính Canada, đại dịch này chỉ bằng 0,1 % tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể liên quan đến hậu quả của việc giảm quân số sau chiến tranh từ đó phát sinh tình trạng suy thoái.
Tuy nhiên, trong xã hội công nghiệp, sự suy giảm dân số không tác động đến sự tăng trưởng lâu dài, như đã từng thấy sau đại dịch thời Trung cổ. Khi mà phần lớn hàng hóa được sản xuất trong các nhà máy thì đối với đồng lương thực tế, diện tích đất đai dành cho sản xuất lương thực, thực phẩm là bao nhiêu, tương đối không quan trọng.
Từ đại dịch cúm Tây Ban Nha, người ta có thể rút ra bài học về tầm quan trọng của giãn cách xã hội. Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), chính quyền thành phố Philadelphia đã chờ đợi 16 ngày trước khi thi hành sự hạn chế đi lại đối với dân chúng. Thậm chí, người ta còn cho phép tiến hành một cuộc diễu binh. Cái giá phải trả là rất lớn: Vào đỉnh dịch, tỷ lệ tử vong ở Philadelphia cao gấp năm lần so với St. Louis, thành phố này đã thi hành giãn cách xã hội chỉ sau hai ngày.
Điều chưa từng có: Thế giới chấp nhận suy thoái để chống đại dịch
Ngày nay, chúng ta đều biết, đối với một đại dịch, có một sự lựa chọn rõ ràng: Hoặc là xã hội chấp nhận một số thiệt hại ngắn hạn về kinh tế, để chặn dịch. Hoặc phải trả giá cho tổn thất lớn về người trong tương lai.
Đại dịch hiện nay khác với tất cả các đại dịch trong lịch sử, đó là sự đồng thuận của phần lớn thế giới, chấp nhận tổn thất kinh tế để tránh sự sụp đổ hệ thống y tế và cứu tính mạng con người.
Tại một số quốc gia, sự phản ứng đã diễn ra chậm trễ, tuy nhiên cuối cùng các chính phủ cũng đã thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời, các chính phủ và các ngân hàng chi gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD và Euro cho các chương trình, mà trước đó chỉ vài tuần, đây là điều không tưởng.
Trước nay những điều như vậy chưa từng diễn ra. Ngay cả khi bệnh dịch đã được chặn lại và đã có vắc xin thì các chính phủ vẫn phải tiếp tục xử lý kết quả các chương trình giải cứu. Lúc này người ta chỉ có thể ước tính về các vấn đề chi tiết. Liệu việc in tiền dồn dập có dẫn đến lạm phát? Liệu những trục trặc trong cung cấp khẩu trang, máy trợ thở có dẫn đến tình trạng nhiều nước đẩy mạnh tự túc sản xuất? Liệu Liên minh châu Âu có dễ dàng vượt qua được khó khăn?
Chỉ có một điều là chắc chắn: Sau đại dịch Covid-19, thế giới sẽ có diện mạo khác với trước đó.