Cái chết gây rúng động các công xưởng châu Á
Cái chết của một nữ công nhân trẻ trong xưởng may ở Ấn Độ đã phơi bày vấn nạn về quấy rối tình dục trong ngành thời trang nhanh. Liệu các thỏa thuận có cải thiện được vấn đề này?
Dù nhận mức tiền công bèo bọt chỉ khoảng 100 USD/tháng, Jeyasre Kathiravel, ở Tamil Nadu, Ấn Độ, vẫn thấy mình rất may mắn khi có một công việc ổn định tại Natchi Apparels - nhà máy gia công quần áo cho nhiều thương hiệu thời trang nhanh.
Hôm 1/1/2021, Kathiravel mất tích. Gia đình cố gắng tìm kiếm nhưng tận 4 ngày sau, thi thể của cô mới được phát hiện, chỉ cách làng vài km.
Sau đó, hung thủ được xác định là V Thangadurai - quản đốc của cô tại xưởng may. Ông ta bị buộc tội giết người và đang ở trong tù chờ xét xử.
Gia đình và đồng nghiệp của Kathiravel nói rằng vài tháng trước đó, Thangadurai đã liên tục có những hành vi quấy rối tình dục cô và nữ công nhân trẻ không có cách nào kháng cự.
"Rõ ràng ông ta đang tra tấn con bé nhưng con bé không biết phải làm gì vì sợ mất việc", bà Muthuakshmi Kathiravel, mẹ của nạn nhân chia sẻ.
Các công nhân tại xưởng may cho biết Thangadurai nổi tiếng là một kẻ săn mồi tình dục, nhưng không hề bị trừng phạt.
“Ai cũng biết điều ông ta đang làm với Jeysare, nhưng ban quản lý không quan tâm. Nếu lên tiếng, cô ấy sợ bị mất việc hoặc những người đàn ông từ nhà máy sẽ tới gia đình cô ấy và nói rằng cô ấy là một kẻ gây rối", một đồng nghiệp của Kathiravel nói.
Một năm sau, gia đình Kathiravel vẫn chìm trong đau thương. Khoảng trống mà cô để lại trong gia đình không bao giờ lấp đầy được. Tuy nhiên, cái chết của cô gái trẻ không phải là vô ích.
Sau cái chết của Kathiravel, các nữ công nhân viên tại nhà máy đã tố cáo các hành vi quấy rối và hành hung ở nhà máy Natchi. Sự dũng cảm của họ đã khởi đầu cho một chuỗi sự kiện có thể thay đổi cuộc sống của 3.000 nữ công nhân tại nhà máy và cảnh báo các biện pháp ngăn chặn bạo lực tình dục cho các thương hiệu thời trang quốc tế, vốn đã là vấn đề nhức nhối bao lâu nay.
Vấn nạn từ nhiều năm
Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp thời trang nhanh trị giá hàng tỷ USD đã khiến người tiêu dùng kỳ vọng mức giá siêu rẻ và liên tục thay đổi mẫu mã sản phẩm mới, gia tăng áp lực sản xuất cho các thương hiệu đặt lên các nhà cung cấp ở nước ngoài. Hậu quả là công nhân gia công thời trang với mức lương bèo bọt phải đối mặt với mặt trái trong công xưởng.
Thivya Rakini, Chủ tịch của Công đoàn Dệt may và Lao động phổ thông Tamil Nadu (TTCU) cho biết: “Nạn quấy rối tình dục mà phụ nữ đang phải đối mặt trong ngành may mặc là hệ quả của việc họ phải giữ được công việc ấy bằng mọi giá. Dấu tay của họ có trên các sản phẩm thời trang mà người dân các nước giàu có mặc, nhưng sự đau khổ của họ thì không ai biết tới".
Bất chấp sự phủ nhận của nhà máy sau khi các cáo buộc được công khai, Hiệp hội Quyền của Người lao động (WRC), một tổ chức điều tra toàn cầu về lạm dụng lao động, đã mở một cuộc điều tra độc lập về Natchi.
Các báo cáo của WRC cho thấy Kathiravel không phải là công nhân may mặc đầu tiên bị sát hại tại Natchi. Trong nhiều năm qua, các nữ công nhân viên ở Natchi đã bị quấy rối tình dục một cách tràn lan, từ lời nói, hành động và cưỡng bức.
Các quản đốc nam khác còn gạ gẫm công nhân nữ quan hệ tình dục. Nạn nhân thường xuyên bị bắt nạt và làm nhục công khai vì không đạt mục tiêu sản xuất và bị lạm dụng bằng lời nói và bôi nhọ về tình dục.
Nhóm bảo vệ quyền lao động liên quan đến vụ Natchi nói rằng việc phanh phui vụ lạm dụng không nên được coi là một vụ việc cá biệt. Thay vào đó, nó là một dấu hiệu cho thấy bạo lực tình dục đã nở rộ và ăn sâu vào mô hình sản xuất thời trang nhanh.
Rola Abimourched, phó giám đốc điều tra và bình đẳng giới tại WRC nói: “Những gì chúng ta đang phải đối mặt là đại bạo lực giới trong ngành thời trang toàn cầu, nhưng vì nó đang xảy ra với những phụ nữ nghèo ở nơi hẻo lánh nên không được coi trọng đúng mức".
Tại Tamil Nadu, TTCU đang điều tra 29 trường hợp phụ nữ thiệt mạng bất thường trong các nhà máy may gia công. Thậm chí, phụ nữ còn bị đồng nghiệp nam sát hại sau khi bị tố cáo.
Anannya Bhattacharjee, điều phối viên quốc tế tại AFWA, cho biết tổ chức của cô đã ghi nhận nhiều trường hợp bạo lực nghiêm trọng về giới tại các cơ sở may mặc trên khắp châu Á.
Bà nói: “Trong những năm qua, chúng tôi đã chứng kiến và ghi nhận nữ công nhân may mặc bị quấy rối, hành hung, đe dọa, trả thù bằng lời nói và thể xác vì từ chối quan hệ tình dục và các quyền cơ bản".
“Tôi đã làm việc trong ngành này hơn 20 năm và tôi đã chứng kiến những điều khủng khiếp xảy ra: hãm hiếp, tự tử và thậm chí giết người”, một nữ công nhân của một nhà máy sản xuất thời trang quốc tế ở Ấn Độ, nói.
Công nhân nữ không đủ sức chống lại những người đàn ông có chức quyền, dù là giám sát hay quản lý.
Đột phá
Tháng trước, các thỏa thuận pháp lý mang tính đột phá đã được ký kết giữa Eastman Exports và TTCU - một tổ chức công đoàn may mặc do nữ lãnh đạo địa phương đại diện cho phụ nữ tại nhà máy. Công ty cũng ký kết thêm với hai nhóm quyền công nhân quốc tế: Liên minh Toàn cầu về Sàn tiền Lương Châu Á (AFWA) và Diễn đàn Công lý Lao động - Quyền Lao động Quốc tế (GLJ-ILRF).
Nội dung của thỏa thuận là việc thay đổi hệ thống để đảm bảo phụ nữ được an toàn tại nơi làm việc và áp dụng phương pháp không khoan nhượng đối với quấy rối và lạm dụng bằng lời nói và thể chất.
Mặc dù hủy đơn hàng với Natchi, một công ty thời trang nhanh ở Tây Ban Nha đã ký thỏa thuận riêng với TTCU, AFWA và GLJ-ILRF, cam kết đồng hành cùng nhà máy thi hành thỏa thuận. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu đăng ký sáng kiến giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trong ngành công nghiệp may mặc của châu Á.
Nếu thỏa thuận được thực thi đúng cách, WRC cho rằng Natchi có thể trở thành một trong những nơi an toàn nhất cho phụ nữ làm việc ở Tamil Nadu, khu vực nổi tiếng với điều kiện làm việc nguy hiểm đối với phụ nữ.
“Khi vấn đề bạo lực về cơ sở giới trong một nhà máy may mặc được nêu ra, các thương hiệu thường chỉ cắt nguồn hàng từ nhà cung cấp đó. Bhattacharjee nói. Khi họ làm điều này, phụ nữ mất việc làm, trở thành nạn nhân gấp đôi và trở nên sợ hãi khi chia sẻ tình trạng của mình.
WRC nói rằng trong trường hợp của Natchi, các thương hiệu thuê các nhà máy gia công phải có trách nhiệm đạo đức để duy trì hoạt động kinh doanh của họ.
Cô cũng nói rằng các thương hiệu khác đang tìm nguồn cung ứng gia công từ các nhà máy có công nhân từng bị lạm dụng để đảm bảo sản xuất.
“Nếu họ không đặt hàng ngay bây giờ, rõ ràng là những tuyên bố của họ về việc tôn trọng quyền của người lao động là vô nghĩa".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-gay-rung-dong-cac-cong-xuong-chau-a-post1320098.html