Cái cối xay cơm của má
Thỉnh thoảng chơi đùa với cháu, đứa nào cũng tròn trĩnh dễ thương, thông minh, má tôi vẫn thường nhắc về những ngày chúng tôi còn nhỏ: 'Hồi đó, không hiểu sao tụi con bệnh quá trời. Có khi cả ba đứa đều bệnh, nhất là thằng Hai, vừa sốt, vừa co giật, mê sảng thấy sợ luôn!'. Nghe má nhắc, tôi vẫn còn nhớ như in món cơm xay mà má làm cho chúng tôi ăn mỗi khi bệnh.
Theo lời má kể, một lần ra phố, ba tôi mua về cho má cái cối xay cơm quay tay. Thật ra, đây không phải là dụng cụ chuyên dùng để xay cơm. Cái cối xay bằng sắt, có lớp tráng chống gỉ, kèm theo 3 cái lưới kích cỡ lỗ khác nhau dùng xay nhuyễn các loại thực phẩm tùy theo mục đích sử dụng. Má bỏ cơm vào cối, cầm tay quay quay tròn. Cơm đùn xuống bên dưới cánh quạt và đẩy ra ngoài qua lưới thành từng sợi dài, rồi gãy vụn, rất mịn.
Thú thật, hồi ấy cực chẳng đã mới phải ăn món cơm xay. Phần do bị bệnh, ăn không thấy ngon, phần cơm nát chan canh vào nhạt nhẽo lắm! Thế nhưng, chúng tôi lớn lên song hành với những cơn sốt chuyển tiếp giai đoạn, có sự trợ lực của tô cơm xay nhão để vượt qua.
Cái cối xay cơm được má tôi sử dụng làm nhiều món ăn như: chè đậu xanh đánh, xay các loại đậu, hạt sen để làm món bánh hạt sen, làm nhân các loại bánh nếp, chè trôi nước…
Hồi đó, nhà nào có cái cối xay như vậy được coi là tân tiến lắm. Thỉnh thoảng, tôi thấy mấy nhà hàng xóm qua mượn cái cối xay của má về làm bánh, nấu chè.
Ba tôi thích ăn chè đậu xanh đánh. Ăn cơm xong, ông lại tráng miệng bằng một chén chè. Lũ chúng tôi đi học về, háo hức mở tủ lạnh lấy ra một chén nhấm nháp cho qua cơn đói, chờ cơm má nấu. Mỗi lần má xay đậu, chúng tôi lại ngồi bên cạnh chờ má cho vét chút đậu xanh dính dưới cánh quạt. Chè chín lại giành nhau vét nồi. Ai đã từng ăn chè vét nồi sẽ biết nó ngon đến mức nào.
Đến mùa Tết, cái cối xay được má dùng để làm bánh đậu, có thể là đậu trắng, đậu ngự, hay đậu tây… Má nấu đậu chín rồi bỏ vào cối xay, xong sên đường, thêm chút bột vani cho thơm. Chờ nguội, má vê thành từng viên tròn đặt trên tràng rồi sấy trên bếp than cho thật khô. Buổi tối, xong xuôi hết mọi việc, má bày tràng bánh đã vê viên tròn, chúng tôi xúm lại quanh má, cùng nhau cắt giấy bóng kính rồi gói. Vừa làm vừa nghe má kể chuyện. Thành phẩm cuối cùng là một tràng bánh, óng ánh đủ màu dưới ánh đèn vàng, trông vui mắt, rộn ràng.
Bây giờ, mọi thứ đều đơn giản, gọn nhẹ. Nấu một nồi chè đậu xanh đánh, tôi chẳng phải mất công đãi vỏ như má ngày xưa. Đậu xanh đãi vỏ, đóng gói bán trong siêu thị, ngoài chợ, mua về vo ngâm rồi nấu bằng nồi cơm điện, chờ chín để nguội cho vào máy xay sinh tố, sau đó nấu với đường, loáng một tí là xong. Muốn ngon, ngày trước thêm nước cốt dừa thì bây giờ cũng có bán sẵn loại đóng hộp (nước) hay gói (bột).
Không biết do tôi không khéo như má hay do nồi chè đậu xanh bây giờ “gọn nhẹ” quá nên tôi thấy nó không ngon bằng nồi chè của má ngày xưa. Cái cối xay cơm sau mấy lần dọn nhà giờ cũng “tuyệt chủng”.
Tất cả chỉ còn trong ký ức. Tôi nhớ cái cối xay cơm ngày xưa được má rửa sạch và phơi cho khô sau khi dùng; những ngày còn nhỏ với tô cơm nát. Nhớ hình ảnh những ngày Tết xưa, xúm quanh nhìn má xay đậu, tranh nhau vét nồi, cùng nhau gói bánh, mùi vani thơm lừng gian bếp; hay những buổi chiều đi học về bụng đói meo, mắt chợt sáng rỡ khi thấy má vừa hấp xong xửng bánh ít trần…
BÌNH AN