Cài đặt sinh trắc học: Không tự mày mò để tránh nguy cơ bị lừa đảo

Chuyên gia về công nghệ thông tin khuyến cáo, nếu gặp khó khăn trong cài đặt sinh trắc học, người dân nên liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn trên các trang mạng không tin cậy để tránh bị lừa đảo.

Từ hôm nay (1/7), ngân hàng sẽ kiểm tra khuôn mặt người gửi khi chuyển khoản từ 10 triệu đồng. Tuy quy định này đã có hiệu lực nhiều người dùng vẫn gặp khó khi xác thực căn cước công dân (CCCD) gắn chip với ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Nhiều người vẫn gặp khó khi xác thực căn cước công dân (CCCD) gắn chip với ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Ảnh: Thái Nhung.

Nhiều người vẫn gặp khó khi xác thực căn cước công dân (CCCD) gắn chip với ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Ảnh: Thái Nhung.

Chị Phạm Hải Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi gặp khó khăn trong việc cài đặt sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng khi điện thoại không đọc được chip. Tôi đã làm đi làm lại hàng chục lần theo hướng dẫn nhưng đều không được, đến ngân hàng trong những ngày này thì phải xếp hàng rất mất thời gian”.

Anh Nguyễn Thể (Hà Đông, Hà Nội) cũng gặp tình huống tương tự như chị Hải Oanh. Điều đáng nói là anh Thể đã được một người tự xưng là nhân viên ngân hàng gọi điện thoại bảo anh cung cấp lại CCCD và một số thông tin khác để ngân hàng hỗ trợ việc cài đặt sinh trắc học. “Thấy nghi ngờ nên tôi đã từ chối. Tôi lo ngại sẽ bị lộ lọt thông tin cá nhân hoặc bị lừa đảo vì chưa thể xác minh được người đang gọi cho tôi có phải là nhân viên ngân hàng hay không”, anh Thể nói.

Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin, tùy vào thiết bị, các mẫu smartphone sẽ có cách đọc chip khác nhau, như đọc trực tiếp trên thiết bị hoặc phải cài thêm phần mềm hỗ trợ. Việc một số mẫu smartphone có thể đọc được chip là do máy có tích hợp đầu đọc chip trong phần cứng.

Còn trường hợp máy không đọc được chip, theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, một số trường hợp do người dùng để ốp điện thoại quá dày, điện thoại bị lỗi NFC hoặc thao tác không đúng dẫn đến xác thực không thành công. Ông Sơn cũng khuyến cáo: “Trong trường hợp máy không đọc được chip, bản thân người dùng nên tự liên hệ trực tiếp với bộ phận hỗ trợ khách hàng của ngân hàng hoặc ra tận quầy giao dịch để được hỗ trợ. Người dân tuyệt đối không tự mày mò và làm theo các hướng dẫn trên mạng để tránh nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng bộ phận Khách hàng cá nhân của một ngân hàng cho biết: “Hiện các ngân hàng đang tích cực hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học tại quầy giao dịch kể cả thứ 7 và Chủ nhật. Không có việc nhân viên ngân hàng gọi điện để yêu cầu khách hàng cung cấp CCCD và các thông tin khác. Trong trường hợp này, khách hàng tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan để tránh bị đánh cắp tài khoản”.

Theo ông Nam, một số điều kiện để đảm bảo quá trình xác thực CCCD gắn chip được thuận lợi đó là: Trước tiên người dùng cần sử dụng thiết bị kết nối Internet và có hỗ trợ NFC (công nghệ kết nối không dây, sử dụng cảm ứng từ trường để kết nối các thiết bị điện tử với chip NFC gắn trên một số đồ vật).

Vị trí đọc chip của một số điện thoại thông minh phổ biến hiện nay. Ảnh: Internet

Vị trí đọc chip của một số điện thoại thông minh phổ biến hiện nay. Ảnh: Internet

Đối với hệ điều hành iOS, các mẫu iPhone Từ iPhone XS (đời 2018) trở đi hoặc hệ điều hành iOS 14 trở lên đều có thể đọc chip trực tiếp trên điện thoại.Phần cứng đầu đọc NFC của iPhone 14, iPhone 15 có công nghệ khác so với các dòng máy trước đó. Điều này dẫn tới khó khăn khi người dùng cập nhật thông tin sinh trắc học từ CCCD gắn chip. Đầu đọc chip NFC của iPhone thường nằm ở mặt lưng, phần đầu máy, kế bên camera. Người dùng cần chạm trực tiếp vị trí đọc chip trên thiết bị sát vào CCCD. Lưu ý không để vị trí đầu đọc vượt quá 2/3 chip. CCCD gắn chip nên được để cố định trên mặt phẳng hoặc tránh rung lắc.

Với hệ điều hành Android, việc đọc chip trực tiếp có thể thực hiện với các mẫu máy thuộc phân khúc tầm trung - cao cấp, được sản xuất từ 2018 và chạy hệ điều hành Android 6.0 trở lên. Một số máy của hệ điều hành này có thể mặc định tắt tính năng đọc chip NFC. Người dùng cần kiểm tra và bật tính năng đọc NFC trên thiết bị trước khi xác thực.

Tiếp đến, người dùng cần đặt đúng vị trí đầu đọc NFC của thiết bị Android chạm vào chip. Thời gian chờ để thiết bị kích hoạt và nhận tín hiệu từ chip mất trung bình 1-2 giây.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cai-dat-sinh-trac-hoc-khong-tu-may-mo-de-tranh-nguy-co-bi-lua-dao-10284499.html