Cái đẹp không cứu nổi mình

Vừa qua, tại một số hội nhóm mạng xã hội chuyên giao dịch tác phẩm hội họa, xuất hiện thông tin thanh lý tranh vẽ trên vải với giá bán 'theo cân'. Thông tin này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với nhiều bình luận bày tỏ sự chua xót.

1. Ở góc độ thị trường, chuyện mua bán tác phẩm nghệ thuật, sách theo cân không phải hiếm, trước đây tại một hội sách ở TPHCM, có gian hàng mở bán sách theo cân cũng từng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Với nhiều người, những tác phẩm tranh, ảnh, sách văn học… gắn liền với những giá trị thuộc về đời sống tinh thần, bán theo cân như sản phẩm tiêu dùng đã phá hỏng những giá trị tinh thần đó, hay xa hơn là giết chết “cái đẹp cứu rỗi thế giới”.

Nhưng hiện nay, chuyện bán tranh theo cân gần như là một thực tế phải chấp nhận, khi người làm ra tác phẩm cần nguồn lực tái đầu tư, nhưng người mua thì chẳng thấy đâu. Nhiều năm trước đây, trong giới từng xôn xao chuyện họa sĩ tốt nghiệp trường mỹ thuật gần 10 năm nhưng chưa bán được tranh, đến nay thực tế này vẫn còn phổ biến. Và đó cũng là lý do ngày càng ít bạn trẻ mạnh dạn bước vào hội họa hàn lâm. Điển hình như năm 2023, Khoa Hội họa - Đại học Nghệ thuật Huế, chỉ có đúng 3 sinh viên tốt nghiệp. Đại học Mỹ thuật TPHCM hệ chính quy năm học 2021-2022 chỉ có 1 sinh viên điêu khắc, 4 sinh viên hội họa.

Ngành học hội họa bài bản ngày càng thiếu nhân lực, nhưng họa sĩ tự học lại ngày càng nhiều. Phần lớn thành viên trong các hội nhóm trao đổi, mua bán tranh trên mạng xã hội chủ yếu là họa sĩ tự học, biết vẽ cơ bản hoặc sử dụng được các phần mềm vẽ digital và làm ra tác phẩm theo nhu cầu trang trí nội thất của người mua.

 Triển lãm tranh “Mộng viễn đông” trưng bày tác phẩm của các giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thu hút khán giả quan tâm

Triển lãm tranh “Mộng viễn đông” trưng bày tác phẩm của các giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thu hút khán giả quan tâm

2. Sự ồ ạt các họa sĩ tự học đã giúp thị trường ở phân khúc thấp có đa dạng lựa chọn, và giá tranh dễ chịu ở mức người mua chẳng cần phải suy nghĩ quá nhiều. Phần lớn các tranh này chỉ đáp ứng nhu cầu trang trí, hoàn toàn không có giá trị sưu tập; thậm chí để chiều lòng khách hàng, nhiều người vẽ chấp nhận in ảnh lên toan và đi màu để đáp ứng yêu cầu bố cục, màu sắc phong thủy theo quan điểm của khách đặt tranh.

Vài trăm tác phẩm được rao bán mỗi ngày trong các hội nhóm quan tâm đến tranh trên mạng xã hội phản ánh rõ tình trạng này khi màu sắc, bố cục và nội dung gần như có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Không phong cảnh, tĩnh vật thì cũng chân dung, sinh hoạt hàng ngày… khách hàng dễ xem, dễ cảm và nhạt nhòa đến dễ quên. Cũng có một số sáng tác trừu tượng nhưng không phải vì để thể hiện tài năng hay đam mê mà đơn giản chỉ là nhằm tạo ra sự khác biệt. Kết quả là những tác phẩm kiểu này thường rất ngây ngô, sử dụng những gam màu khác sắc độ, tạo sự đối nghịch, nhưng lại không đủ trình độ để cân bằng thị giác, khiến người xem khó chịu và khó hiểu. Với họa sĩ chuyên nghiệp, vẽ trừu tượng không phải dễ, nó đòi hỏi người vẽ phải nắm vững kiến thức căn bản, biết cách cân chỉnh hiệu ứng thị giác để thêm màu nào, bỏ bớt chi tiết nào, chứ không phải trừu tượng là nguệch ngoạc cho xong.

3. Để làm nên những kỷ lục tranh triệu USD trên thị trường hiện tại, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhìn nhận: “Tranh Đông Dương (tranh của các thế hệ họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - PV) có sức sống đến tận bây giờ, bởi các họa sĩ dù học và thực hành bằng chất liệu phương Tây, nhưng mỗi người tự biết cách hài hòa, biến hóa nó cùng văn hóa Việt Nam, tạo một phong cách riêng cho mình, không theo lối vẽ của người này, hay xu hướng người kia, mặc dù các giáo sư từng dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đều là những tên tuổi có tiếng trong giới hội họa”.

Tranh bản thân nó vốn là một mỹ từ, dù giá trị và trị giá tác phẩm là hai câu chuyện khác nhau, nhưng không ai nỡ nhìn “cái đẹp” phải bán theo cân. Sự phát triển lâu dài của thị trường nghệ thuật hẳn phải thống kê trên con số, nhưng hơn hết là cần đội ngũ thực hành sáng tạo có chuyên môn bên cạnh tài năng, và nâng cao thẩm mỹ cộng đồng để số đông công chúng đủ quan tâm và đủ tầm cảm nhận… Đừng để một ngày, cái đẹp cũng không cứu nổi mình, bán theo cân nhưng cũng chẳng mấy người quan tâm.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cai-dep-khong-cuu-noi-minh-post749346.html