Cai điện thoại vì... con

Ảnh minh họa: Internet
Ngồi trong quán cà phê với vợ chồng bạn từ TP Hồ Chí Minh về chơi, tôi rất bất ngờ khi thấy con của bạn ngoan ngoãn ngồi đọc sách trong lúc ba mẹ nói chuyện. Hỏi ra mới biết, để con có thói quen tốt như vậy, vợ chồng bạn tôi phải “hy sinh” rất nhiều.
Bạn tôi là giảng viên đại học, còn chồng bạn là kỹ sư xây dựng công trình. Công việc của cả hai đều bận rộn và phải thường xuyên xử lý công việc qua điện thoại, máy tính bảng. Vợ chồng bạn có cậu con trai, năm nay 5 tuổi, và như nhiều trẻ em cùng trang lứa, cháu biết sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cháu cũng dính chặt với đồ chơi công nghệ.
Bạn tôi kể, lúc con còn nhỏ, vì công việc bận rộn, bạn thường xuyên đưa con điện thoại xem hoạt hình để mình có thời gian làm việc. Chồng bạn mỗi khi ở nhà cũng thường xuyên sử dụng điện thoại để xử lý công việc, và đôi khi là chơi game giải trí. Thành ra, trong nhà bạn thường xuyên có cảnh cha - mẹ - con, mỗi người ôm một điện thoại/máy tính bảng ở mỗi góc để làm việc riêng.
Đến một ngày, bạn giật mình khi nhận ra, con mình hay nháy mắt, nhíu miệng khi xem điện thoại. Đưa con đến bác sĩ khám, bạn rất hối hận khi bác sĩ cho biết bé bị hội chứng TIC, một dạng rối loạn vận động do thường xuyên bị căng thẳng khi xem điện thoại, tivi quá nhiều.
“Mình nói chuyện với chồng về tình trạng của con và thống nhất không cho cháu sử dụng điện thoại, máy tính bảng thường xuyên nữa. Ban đầu, con cũng mè nheo, đòi điện thoại như một thói quen nhưng vợ chồng mình cố gắng đưa con đi công viên, khu trò chơi, cho con vận động để kéo sự chú ý của con sang hướng khác.
Mình còn dẫn con đi mua sách, đọc sách cùng con, hướng dẫn con giúp ba mẹ làm việc nhà... Đặc biệt, vợ chồng cũng làm gương, cai không dùng điện thoại, máy tính bảng khi con ở nhà và dành nhiều thời gian để chơi cùng con hơn. Nhờ vậy, sau một thời gian, con không còn nháy mắt, nhíu miệng như trước nữa. Thật là một phen hú vía!”, bạn chia sẻ.
Nghe câu chuyện của bạn, rồi nhìn ra xung quanh, tôi không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ em cầm điện thoại, máy tính bảng xem hoạt hình, chơi game khi được ba mẹ dẫn đi cà phê chung. Quả thật, ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những sản phẩm công nghệ thông tin đã trở nên quá phổ biến trong cộng đồng xã hội. Ngày nay, những em bé với bàn tay nhỏ xíu, cầm chưa vừa hết màn hình nhưng “quẹt, lướt” điện thoại nhoay nhoáy không phải là hiếm.
Có thể nói, hầu hết phụ huynh đều biết về tác hại và sự nguy hiểm của việc cho con trẻ tiếp cận sớm với điện thoại, máy tính bảng. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn con tránh xa những món đồ công nghệ đầy sức hấp dẫn khi chính phụ huynh vẫn đang hàng ngày dính chặt với smartphone?
Theo các chuyên gia, muốn con không nghiện điện thoại, người lớn cũng phải cai, phải hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện tử khi ở cạnh con cái. Khi con ở nhà, cha mẹ rủ con cùng vào bếp nấu nướng, cùng dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện, hỏi han con về các hoạt động ở lớp, ở trường. Mỗi ngày, bạn cũng có thể nghĩ ra các trò chơi, hoạt động để tạo sự hứng thú cho trẻ... Có như vậy, trẻ mới không còn thời gian “rảnh” mà nghĩ đến việc đòi điện thoại. Đồng thời con trẻ cũng có cơ hội hình thành những thói quen tốt để tiến xa hơn trong tương lai.
LÊ QUỐC HUY
(phường 5, TP Tuy Hòa)
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/246197/cai-dien-thoai-vi-con.html