Cái 'gật đầu muộn mằn' của Tổng thống Biden với Ukraine: Thay đổi cục diện hay thêm dầu vào lửa?
Tổng thống Joe Biden đã quyết định 'xé rào' vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, những 'đòn giáng' không thể tạo ra bằng lời nói, Ukraine còn thiếu nhiều tên lửa để hiện thực hóa các kế hoạch tấn công. Rất có thể, cái gật đầu của ông Biden sẽ chỉ làm rối thêm tình hình thay vì làm thay đổi cục diện xung đột.
Với Ukraine là chưa đủ
Giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã lần đầu tiên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ nước Nga.
Ban đầu, vũ khí này sẽ được sử dụng chống lại quân đội Nga và Triều Tiên để bảo vệ lực lượng Ukraine tại khu vực Kursk, miền Tây nước Nga.
Quyết định của ông Biden là một thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ. Sự lựa chọn này đã chia rẽ các cố vấn của ông Biden và sự thay đổi của ông diễn ra 2 tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Giới chức Mỹ cho biết, việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa, được gọi là Hệ thống tên lửa chiến thuật quân sự (ATACMS), là để đáp trả quyết định bất ngờ của Nga đưa quân đội Triều Tiên vào cuộc xung đột.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không xác nhận việc Mỹ cho phép sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công nhưng đã ám chỉ vào ngày 17/11 rằng điều quan trọng hơn việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ là số lượng tên lửa được sử dụng để tấn công Nga.
Theo trang tin Axios, quyết định của Nhà Trắng về việc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của Mỹ chỉ áp dụng với tỉnh Kursk, và được coi là phản ứng của Mỹ trước sự tham gia của quân đội Triều Tiên vào cuộc xung đột.
"Những đòn giáng không thể được tạo ra bằng lời nói mà bằng các tên lửa”, ông Zelensky nói trong một bài phát biểu ngày 17/11.
Tổng thống Biden bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp trên đất Nga sau khi Moscow tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới hồi tháng 5 hướng tới Kharkov.
Để giúp Ukraine bảo vệ Kharkov, ông Biden đã cho phép sử dụng Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), có tầm bắn khoảng 50 dặm (80,5km), chống lại lực lượng Nga ở bên kia biên giới. Nhưng ông Biden không cho phép Ukraine sử dụng ATACMS có tầm bắn xa hơn, khoảng hơn 300km, để phòng thủ Kharkov.
Mặc dù giới chức Mỹ cho biết họ không kỳ vọng sự cho phép này sẽ làm thay đổi căn bản cục diện cuộc xung đột, nhưng một trong những mục tiêu của việc thay đổi chính sách này là gửi một thông điệp tới Triều Tiên rằng lực lượng của họ rất dễ bị tổn thương và họ không nên gửi thêm quân.
Theo giới chức Mỹ, mặc dù quân đội Ukraine có khả năng sử dụng tên lửa ATACMS lần đầu tiên để chống lại quân đội Nga và Triều Tiên đang đe dọa lực lượng của họ ở Kursk, nhưng ông Biden có thể cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa này ở cả những nơi khác.
Một số quan chức Mỹ lo ngại việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa phóng qua biên giới có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin trả đũa bằng vũ lực chống lại Mỹ và các đối tác liên minh của nước này. Tuy nhiên, các quan chức khác cho rằng những lo ngại đó đã bị thổi phồng quá mức.
Quân đội Nga đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công lớn với khoảng 50.000 binh sĩ, bao gồm cả quân đội Triều Tiên, vào các vị trí cố thủ của Ukraine ở Kursk với mục tiêu chiếm lại toàn bộ lãnh thổ Nga mà Ukraine đã chiếm giữ vào tháng 8.
Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các điểm tập trung quân của Nga và Triều Tiên, các thiết bị quân sự quan trọng, các cơ sở hậu cần, kho đạn dược và đường tiếp tế sâu bên trong nước Nga. Làm như vậy có thể giúp Ukraine giảm bớt hiệu quả của đòn tấn công do Nga và Triều Tiên thực hiện.
Cần phải làm sớm hơn
Liệu có nên trang bị cho Ukraine hệ thống ATACMS tầm xa hay không là một chủ đề đặc biệt nhạy cảm kể từ khi cuộc xung đột bùng phát vào tháng 2/2022. Một số quan chức Lầu Năm Góc phản đối việc cung cấp thứ vũ khí này cho Ukraine vì họ cho rằng quân đội Mỹ có nguồn cung hạn chế. Một số quan chức Nhà Trắng lo ngại ông Putin sẽ mở rộng xung đột nếu Mỹ chuyển tên lửa cho Ukraine.
Tuy nhiên, những người ủng hộ quan điểm cứng rắn hơn đối với Moscow lại cho rằng quyết định cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột mà giúp Ukraine giành được lợi thế.
"Việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ của chúng tôi sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ và các quốc gia vệ tinh của họ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống lại Nga, cũng như sự thay đổi căn bản về bản chất của cuộc xung đột. Trong trường hợp này, phản ứng của Nga là sẽ phù hợp và hữu hình", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 18/11 cảnh báo.
Tổng thống Zelensky từ lâu đã tìm kiếm sự cho phép từ Mỹ và các đối tác liên minh để sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga. Quân đội Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine một số lượng hạn chế tên lửa Storm Shadow/SCALP, có tầm bắn khoảng 155 dặm, ngắn hơn hệ thống tên lửa của Mỹ, đồng thời lên tiếng ủng hộ yêu cầu của ông Zelensky.
Mặc dù vậy, từ trước đến nay, ông Biden có thái độ tránh rủi ro hơn so với những người đồng cấp Anh và Pháp. Vào ngày 17/11, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ca ngợi động thái mới của Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhưng cho biết động thái này diễn ra quá muộn.
Michael R. Turner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện cho biết trong một tuyên bố: "Trong nhiều tháng qua, tôi đã kêu gọi Tổng thống Biden gỡ bỏ những hạn chế này. Tổng thống Biden đáng lẽ phải lắng nghe lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky sớm hơn".
Thông điệp tới Triều Tiên
Giới chức Mỹ cho biết Biden đã bị thuyết phục thực hiện thay đổi một phần là do sự táo bạo trong quyết định của Nga khi đưa quân đội Triều Tiên vào phòng tuyến của Ukraine. Ngoài ra, ông Biden cũng bị ảnh hưởng bởi những lo ngại rằng lực lượng tấn công của Nga sẽ có thể áp đảo quân đội Ukraine ở Kursk nếu họ không được phép tự vệ bằng vũ khí tầm xa.
Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng cho rằng ông Biden đã xác định những lợi ích tiềm tàng - Ukraine sẽ có thể đạt được một số mục tiêu có giá trị và Mỹ có thể gửi một thông điệp tới Triều Tiên rằng họ sẽ trả giá lớn hơn so với những rủi ro leo thang.
Ông Biden đã phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự cách đây một năm khi các cơ quan tình báo Mỹ biết được rằng Triều Tiên sẽ cung cấp tên lửa đạn đạo tầm xa cho Nga. Tại thời điểm đó, ông Biden đã đồng ý cung cấp vài trăm tên lửa ATACMS cho Ukraine.
Tên lửa này đã giúp bổ sung cho nguồn cung cấp hạn chế tên lửa Storm Shadow và SCALP mà Ukraine nhận được từ Anh và Pháp.
Kể từ đó, Ukraine đã sử dụng nhiều tên lửa này trong một chiến dịch tấn công phối hợp nhằm vào các mục tiêu quân sự của Nga. Do đó, không rõ Ukraine còn bao nhiêu tên lửa trong kho vũ khí của mình để sử dụng ở khu vực Kursk.