Cái giá của sự thiếu kiềm chế

Bị hại gây chuyện sau cơn say, bị cáo dùng chính nón bảo hiểm của bị hại đánh trả 4 cái nhưng phải trả giá bằng 4 năm tù.

Có nhiều vụ án hình sự nguyên nhân dẫn đến vụ việc nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, nhưng cái giá phải trả thì lại rất đắt. Vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vừa được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đức Hòa đưa ra xét xử đối với bị cáo Lý Thanh Sang, 40 tuổi, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, là điển hình trong việc giải quyết mâu thuẫn.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 14 giờ, ngày 20/11/2017, bị cáo Sang đi qua ghế đá trước nhà của bị hại Phan Văn Đồ, 48 tuổi, để nói chuyện với bà nội của Đồ. Nói chuyện được 1 lúc, bị hại Đồ nhậu say, chạy xe loạng choạng về nhà. Do cửa nhà khóa ngoài nên bà nội của Đồ phải mở cửa để Đồ vào nhà.

Tuy nhiên, khi bước chân vào nhà, trong cơn say, Đồ chửi mắng, đập phá đồ dùng trong nhà rồi đi ra ngoài. Đứng trước xe môtô của mình, Đồ không may làm rớt nón bảo hiểm treo trên xe. Nghĩ rằng bị cáo Sang ngồi gần đó quăng nón bảo hiểm của mình, Đồ buông lời chửi Sang. Dù được Sang giải thích do chính Đồ làm rớt nón nhưng Đồ vẫn cầm nón bảo hiểm tiến lại định đánh Sang.

Bực tức vì bị nghi oan, bị cáo Sang giật lấy nón bảo hiểm từ tay Đồ đánh liên tiếp 4 cái vào vùng đầu Đồ khiến bị hại té xuống đám cỏ trước nhà bất tỉnh. Tưởng rằng bị hại Đồ chỉ bị thương nhẹ và đang say rượu nên bị cáo Sang vào nói với bà nội Đồ rồi đi về nhà.

Tuy nhiên, sau đó Đồ được mọi người trong gia đình đưa đi cấp cứu và được kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của nạn nhân Phan Văn Đồ là 88%. Sau sự việc, gia đình bị cáo Sang đã thỏa thuận bồi thường cho gia đình bị hại Đồ số tiền trên 157 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả.

Sau cái Tết năm 2018, bị cáo Sang bị bắt tạm giam. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng tạm giam, xem xét dưới nhiều góc độ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa đã cho bị cáo Sang được tại ngoại.

Tại phiên tòa, dù ân hận về hành vi bồng bột nhưng bị cáo cho rằng hành vi của mình vi phạm pháp luật và xin tòa xem xét để giảm đến mức thấp nhất mức hình phạt dành cho bị cáo. Hội đồng xét xử TAND huyện Đức Hòa khẳng định, hành vi của bị cáo nguy hiểm nên bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” là đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình xem xét toàn bộ vụ án, Hội đồng xét xử TAND huyện Đức Hòa cho rằng, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ việc bị cáo không kiềm chế được bản thân do bị hại Đồ có hành vi dùng nón bảo hiểm đánh bị cáo nên bị cáo giật ngược nón bảo hiểm để đánh lại, gây thương tích cho bị hại. Do đó, phía bị hại cũng có một phần lỗi. Đồng thời, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng cho rằng, bị cáo Sang có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận, áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo dưới khung hình phạt. Từ đó, Hội đồng xét xử TAND huyện Đức Hòa quyết định tuyên phạt bị cáo Lý Thanh Sang mức án 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Dù phiên tòa khép lại nhưng vụ án này cho thấy cả bị cáo và bị hại đều là người có lỗi trong việc giải quyết mâu thuẫn thường ngày. Bị cáo là người có lỗi khi không kiềm chế được trước hành vi ngang ngược của bị hại đã gây hậu quả, còn bị hại có lỗi khi là người gây sự, tạo khởi điểm phát sinh mâu thuẫn./.

Nhật Minh

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/cai-gia-cua-su-thieu-kiem-che-a92921.html