Cái giá của tấm lòng
Cuộc sống, có người giàu cũng có người nghèo. Nhiều người làm ăn khá giả lên trông thấy nhưng bên cạnh vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, cần được sẻ chia.
Cái giá của tấm lòng
Giúp đỡ người nghèo hay đạo lý “lá lành đùm lá rách” đã là cái gốc nhân nghĩa bao đời nay của người Việt, xưa giờ vẫn nhiều người làm từ thiện. Trong đợt dịch này, tấm lòng tương thân tương ái của con người còn nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Xuất hiện nhiều mạnh thường quân, nhiều nhà hảo tâm, nhiều người tình nguyện vì dân, vì nước.
Nhưng trong thời buổi hiện đại này thì việc làm từ thiện, rủ nhau làm từ thiện đôi khi thấy như phong trào ấy, nhất là vào tháng 7 và tháng chạp âm lịch. Có người góp tiền xây chùa, cúng dường tích công đức. Có người tìm đến tận nơi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để tặng quà. Có người đến các bệnh viện để giúp các trường hợp bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y, bị tai nạn lao động nên đã nghèo càng nghèo thêm, kinh tế khánh kiệt. Một số người thì liên hệ với địa phương, với các viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi... để làm từ thiện.
Hầu hết những người muốn giúp đỡ người khác thì đều là người tốt, đáng quý, đáng trân trọng. Tuy nhiên, có một số cách cho khiến mọi người thấy ái ngại và đăng đắng.
Bà Hai đã gần 80 tuổi, nhà ở sâu trong ngách nhỏ, sống neo đơn một mình. Bà được người ta cho mấy cái phiếu nhận quà từ thiện hẹn thời gian và địa điểm đến nhận. Đi lại khó khăn, bà nhờ xe ôm chở đi về chịu giá cả 80.000 đồng 2 vòng xe. Đến nơi bà nhận được phần quà gồm 5 kg gạo, chai mắm, 1 kg đường. Tính ra cũng tầm 100.000 đồng. Chú xe ôm thấy tội, chỉ lấy bà 50.000 đồng, mặc dù chú mất nguyên buổi sáng chờ đợi cùng bà.
Lần khác, do già cả lẩm cẩm, bà nhớ lộn ngày, thuê xe đến nơi, chủ nhà đóng cửa đi mất.
Trên đường đi làm, đôi khi tôi có nhìn thấy trước nhiều ngôi nhà kín cổng cao tường, người bán vé số, người ăn xin... chờ đợi la liệt để được nhận quà. Hỏi họ sao không đi bán đi, rồi lúc nào rảnh thì qua lấy, họ bảo chủ nhà chỉ phát sáng nay, sợ tới trễ thì hết quà hay nhà chủ đóng cửa mất. Có lần, tôi còn nhìn thấy người đàn bà lam lũ van xin, khuôn mặt chị buồn xo đến tội do không có phiếu, người ta không chịu phát quà.
Vẫn biết, việc cho ai, cho bao nhiêu, cho những gì là quyền của người cho, nhưng sao vẫn cứ nhói lòng khi nhìn thấy những cảnh chờ đợi, chầu chực van xin này.
Một chị bạn kể, có lần đi từ thiện trên vùng cao, ngoài gạo, mì tôm và các thứ nhu yếu phẩm, nhóm còn phân phát quần áo cũ. Mấy đứa trẻ ham đồ mới, lôi ra tại chỗ để ướm thử rồi cùng cười ồ lên khi thấy cả đồ tắm, áo 2 dây... Chị bảo, lúc đó thấy kỳ hết sức. Đáng lẽ tụi mình phải sắp xếp, soạn sửa cho kỹ, loại bớt những thứ quá cũ nát, những thứ phù hợp với đối tượng cần sử dụng.
Lâu lâu, trên báo đài, hoặc nghe rỉ tai nhau, họ mua hàng quá đát để làm từ thiện, họ kêu gọi từ thiện để trục lợi... cũng buồn!
Nếu có lòng, xin hãy đến tận nơi, tìm hiểu hoàn cảnh, cho những gì họ thiếu, chứ đừng nên chỉ cho những thứ mình thừa.
Nếu có tâm xin hãy đặt mình vào hoàn cảnh người nhận một phút để cảm nhận họ cũng là con người, cũng sĩ diện… thì ta sẽ không làm từ thiện với mục đích đánh bóng tên tuổi.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/ban-doc/cai-gia-cua-tam-long-126269.html