Cái giá để trở thành 'triệu phú khuân vác' ở Trung Quốc
Đằng sau mức thu nhập 1.000 nhân dân tệ/ngày, những phu khuân vác cầu thang ở Trung Quốc phải đánh đổi bằng sức lực, ý chí và đối mặt với rủi ro khôn lường.

Khuân vác cầu thang trở thành nghề được quan tâm.
Trong số các cuộc phỏng vấn xin việc, ít có thử thách nào gian khổ như bài kiểm tra dành cho những người khuân vác cầu thang (kanglou) ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Để chứng minh sức mạnh và sự nhanh nhẹn, ứng viên phải vác một bao cát nặng 50 kg trên vai, leo lên và xuống bốn tầng cầu thang 10 lần trong chưa đầy 40 phút.
Những lao động này dành cả ngày để di chuyển trong các khu chung cư cũ kỹ của thành phố - hầu hết không có thang máy - mang vác xi măng, cát, vật liệu xây dựng cùng nhiều vật dụng cồng kềnh khác qua các lối cầu thang chật hẹp.
Công việc cực nhọc với những điều kiện lao động không rõ ràng và cạnh tranh khốc liệt đã khiến nhiều người bỏ cuộc trước khi nhận được đồng lương đầu tiên. Tuy nhiên, đối với những ai kiên trì, công việc này có thể mang lại thu nhập đáng kể, thậm chí cả danh tiếng trên mạng xã hội.
Nhẹ nhàng với cơ thể nghĩa là tàn nhẫn với ví tiền
Xiangzi, 28 tuổi, từng làm nhân viên giao đồ ăn và thu gom phế liệu. Khi bắt đầu làm nghề khuân vác cầu thang vào năm 2023, anh đang gánh món nợ cờ bạc lên đến 300.000 nhân dân tệ (41.900 USD). Tuyệt vọng tìm cách kiếm tiền nhanh, anh bị thu hút bởi những video trên mạng của Ah Xing - người có khoảng 1 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, cũng từng thoát khỏi nợ nần nhờ công việc này.
Mùa hè năm ngoái, trong cái nóng gay gắt, Xiangzi tham gia một nhóm khuân vác vật liệu xây dựng cho dự án cải tạo một ga tàu điện ngầm ở Quảng Châu. Trong hai tuần, những thanh niên vạm vỡ này khiêng gạch, xi măng, hỗn hợp bột trét và rác thải xây dựng lên xuống cầu thang chật chội, nhiều người kiệt sức hoặc bị thương.

Nhiều phu khuân vác nổi tiếng khi chia sẻ công việc của mình lên mạng xã hội.
Đây là cơ hội để Xiangzi tỏa sáng. Suốt 8 ngày liên tiếp, anh làm việc từ 7h đến 19h, chỉ nghỉ trưa. Trong khi đồng nghiệp chỉ vác một bao vữa 40 kg mỗi lần, anh quyết tâm vác hai bao cùng lúc, giúp anh kiếm trung bình hơn 1.300 nhân dân tệ mỗi ngày, trở thành một "người đàn ông 1.000 nhân dân tệ" hay "triệu phú khuân vác" - niềm tự hào trong nghề. Quyết tâm kiếm nhiều hơn, có ngày anh làm đến khuya, suýt đạt mức 2.000 nhân dân tệ.
"Tôi không thể dừng lại. Khi năng lượng trong cơ thể cạn kiệt, ý chí đã giúp tôi tiếp tục", Xiangzi chia sẻ.
Mỗi người khuân vác có cách riêng để vượt qua giới hạn thể chất. Ah Wen, 29 tuổi, từng là quân nhân và có hơn 250.000 người theo dõi trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), cho biết anh chỉ tập trung vào từng tầng một và khoản tiền thưởng chờ đợi ở đích đến.
Một câu nói phổ biến trong nghề: "Nhẹ nhàng với cơ thể nghĩa là tàn nhẫn với ví tiền".
Ah Wen hiện điều hành một đội nhỏ gồm Xiangzi, người anh họ trầm tính gần 40 tuổi, và "đội trưởng" Wang, một người cha hai con. Anh nhận định rằng sức mạnh thể chất chỉ là một phần, điều thực sự thúc đẩy các công nhân chính là áp lực tài chính: nợ cờ bạc, tiền vay mua nhà, học phí con cái hay tiền cưới vợ.
Có lần, trong một dự án vận chuyển đồ nội thất tại trường học, Wang thú nhận rằng anh không thể chịu đựng thêm và cần nghỉ. Chỉ khi đó, Ah Wen mới thừa nhận rằng anh cũng đang kiệt sức.

Công việc khuân vác đòi hỏi nhiều sức lực, sự chăm chỉ và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đằng sau các clip triệu view
Ding Haisheng, khoảng 40 tuổi, đã làm nghề này được 5 năm, tiết lộ rằng "thuế ẩn" là điều phổ biến. Các quản lý dự án thường lừa những công nhân mới bằng cách tính thiếu khối lượng vật liệu như cát để trả lương thấp hơn. Họ cũng lấy phí trung gian 10% và trả công thấp hơn mức thực tế thu từ khách hàng.
Bên cạnh đó, những người mới có thể bị phạt nếu làm chậm, làm hỏng hàng hóa hoặc tranh cãi với khách. Nhiều chủ thuê còn giữ lương đến hai tuần, hy vọng công nhân rời đi trước khi nhận tiền. Thực tế, hầu hết công nhân bỏ việc trước khi kiếm đủ để bù vào chi phí kiểm tra y tế và bảo hiểm.
Những năm gần đây, nhiều người khuân vác cầu thang nổi lên trên mạng xã hội. Ngoài Ah Xing, có ít nhất hàng chục người khác sở hữu tài khoản hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người theo dõi. Thành công không chỉ đo bằng thu nhập, mà còn bằng lượng tương tác, quà tặng ảo và hợp đồng quảng cáo.
Ah Wen và một người bạn tên Ah Tao - nhiếp ảnh gia - đã cùng tạo kênh Douyin, thu hút 250.000 người theo dõi. Ah Tao lo quay phim, chỉnh sửa, còn Ah Wen đảm nhận công việc nặng nhọc. Dù kỳ vọng cao, họ vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì tương tác.




Công việc thực tế không hề đơn giản, vui vẻ, dễ kiếm tiền như những gì được thể hiện trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo Ding, nhiều video trên mạng đang vẽ nên bức tranh sai lệch về ngành này, khiến nhiều người tin rằng chỉ cần chăm chỉ là có thể kiếm 1.000 nhân dân tệ mỗi ngày. "Thực tế, điều đó rất hiếm. Nhưng ngày càng nhiều người đổ về Quảng Châu, tin rằng họ sẽ là ngoại lệ, chứ không phải nạn nhân", Ding nói.
Cạnh tranh trong ngành càng khốc liệt với sự xuất hiện của xe đẩy điện, có thể giúp vận chuyển hàng hóa nặng lên cầu thang. Để giữ vững vị trí, nhóm của Ah Wen chuyên nhận vận chuyển hàng hóa có hình dạng đặc biệt, như tấm nhôm, kính hay đồ chơi trẻ em.
"Hãy thử xem xe đẩy điện làm sao khiêng kính", Ah Wen thách thức. Nhưng ngay cả với đội ngũ giàu kinh nghiệm, nguy hiểm vẫn rình rập: Xiangzi từng bị thanh thép hàng trăm kg nghiền nát ngón tay.
Với những người như Wang, tinh thần đồng đội vẫn là yếu tố quan trọng nhất. "Những người anh em đoàn kết sẽ tìm thấy cơ hội ở khắp mọi nơi", anh khẳng định.