Cái giá khi suốt ngày rình mò trang cá nhân tình cũ của người yêu

'Hội chứng Rebecca' mô tả sự ghen tuông, ghen tỵ với tình cũ của người yêu/bạn đời. Sự ám ảnh đôi khi lớn đến mức nhen nhóm lên nỗi sợ rằng 'tình cũ không rủ cũng tới'.

Việc biết về tình trường của người yêu/bạn đời có thể là "viên thuốc đắng khó nuốt", bất kể một người có trưởng thành hay chín chắn đến mức nào.

Thực tế rằng người yêu/bạn đời của bạn từng yêu người khác hoặc tìm thấy hạnh phúc trước bạn đôi lúc gây ra sự đau đớn về mặt tâm lý. Gốc rễ của cảm giác này bắt nguồn từ bản năng tiến hóa của chúng ta về sự gắn kết lâu dài với cặp đôi và nhu cầu tin tưởng, an toàn trong một mối quan hệ.

Công nghệ hiện đại đã làm phức tạp vấn đề này. Trang cá nhân của một người có thể là lời nhắc nhở hữu hình về ký ức của họ với người yêu cũ. Điều đó dẫn đến sự so sánh không công bằng và vô ích giữa quá khứ cá nhân và hiện tại chung.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng việc tìm kiếm thông tin này hiếm khi hữu ích và thường gây hại cho sức khỏe tinh thần cũng như đời sống tình cảm.

"Hội chứng Rebecca"

"Hội chứng Rebecca" có thể là sản phẩm của thế kỷ XXI. Hiện tượng tâm lý này - đã tồn tại trong nhiều năm nhưng đang nhận được sự quan tâm lớn trên mạng xã hội - được đặt tên theo cuốn tiểu thuyết Rebecca năm 1938 của Daphne du Maurier. Trong tiểu thuyết, nhân vật nữ chính phát triển nỗi ám ảnh với người vợ đầu đã mất của chồng mình và tưởng tượng rằng cô ấy sẽ không bao giờ sống xứng đáng với người vợ đó.

Các nhà tâm lý học định nghĩa đây là sự ghen tuông bệnh lý, với những người mắc bệnh liên tục so sánh mình với người yêu cũ của người yêu/bạn đời.

 "Hội chứng Rebecca" được đặt tên theo cuốn tiểu thuyết Rebecca năm 1938 của Daphne du Maurier. Ảnh: Rebecca/Netflix.

"Hội chứng Rebecca" được đặt tên theo cuốn tiểu thuyết Rebecca năm 1938 của Daphne du Maurier. Ảnh: Rebecca/Netflix.

Theo Vogue, hiện tượng này được định nghĩa có vẻ nặng nề, nhưng thực tế lại chẳng xa lạ gì. Có lẽ chúng ta đều đã từng làm như vậy ở một mức độ nào đó, ví dụ như dành thời gian suy nghĩ, lo lắng hay thậm chí stalk (rình rập) trang cá nhân của tình cũ của bạn trai/bạn gái mình.

Hiếm có người nào không muốn biết bất cứ điều gì về người đã đến trước họ. Và với thời đại mạng xã hội ngày này, thực sự quá dễ để biết được những điều đó. Chỉ cần tìm kiếm nhanh, bạn có thể đã biết ngoại hình, trường học, nơi làm việc, địa điểm du lịch... của họ.

Sau khi tìm hiểu tất cả điều này, chúng ta thường có xu hướng cảm thấy bối rối với những câu hỏi như: Người đó có thành công hơn mình không? Có hấp dẫn hơn không? Về cơ bản, có tốt hơn chúng ta không?

Nếu phát hiện người yêu/bạn đời vẫn thích ảnh hoặc bình luận bài đăng của họ, bạn có thể sẽ nhảy đến kết luận tồi tệ nhất.

Ghen tuông hồi tố

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các cặp đôi yêu nhau có xu hướng tránh thảo luận về những trải nghiệm tình dục trong quá khứ hoặc các mối quan hệ lãng mạn để tránh sự khó chịu và ghen tuông. Thay vào đó, mọi người thường dùng cách lén lút lần mò trang cá nhân của người yêu/bạn đời, đặc biệt là khi không hài lòng với những gì đối tác chia sẻ hoặc nghi ngờ sự thiếu trung thực về quá khứ.

Nghiên cứu "Social Media’s Role in Romantic Partners’ Retroactive Jealousy: Social Comparison, Uncertainty, and Information Seeking" (năm 2018) được Forbes trích dẫn, đã khám phá cách sử dụng mạng xã hội như vậy gây ra "retroactive jealousy" (tạm dịch: ghen hồi tố). Ghen tuông kiểu này là khi một người cảm thấy khó chịu về tình trường của người yêu/bạn đời mặc dù những người cũ không còn dính dáng gì đến mối quan hệ hiện tại.

Ghen tuông hồi tố có thể là kết quả của việc nhìn thấy những tàn tích kỹ thuật số như ảnh cũ về mối quan hệ trong quá khứ hoặc bình luận của người yêu cũ trên một bài đăng. Việc diễn giải các bài đăng, bình luận và ảnh mà không có ngữ cảnh có thể dẫn đến hiểu lầm, thúc đẩy tâm trí tạo ra những câu chuyện dựa trên thông tin không đầy đủ.

Ghen tuông hồi tố cũng có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho mối quan hệ như xói mòn lòng tin. Khi một người cố gắng xét nét mọi bài đăng, hình ảnh trong quá khứ của người kia có thể tạo ra bầu không khí nghi ngờ và oán giận. Nếu họ tình cờ phát hiện điều gì đó mà người yêu/bạn đời không sẵn sàng chia sẻ, nó có thể giống như sự vi phạm lòng tin và xâm phạm quyền riêng tư. Điều này có xu hướng đè nặng lên mối quan hệ.

 Ám ảnh về tình cũ của người yêu/bạn đời quá mức có thể phá nát tình yêu/hôn nhân hiện tại của bạn. Ảnh: El Páis.

Ám ảnh về tình cũ của người yêu/bạn đời quá mức có thể phá nát tình yêu/hôn nhân hiện tại của bạn. Ảnh: El Páis.

Ngoài ra, mạng xã hội có khả năng thúc đẩy những so sánh không cần thiết với tình cũ của người yêu và làm tăng thêm sự bất an, đặc biệt là trong các lĩnh vực học vấn, công việc, sở thích cá nhân, sức hấp dẫn về mặt ngoại hình...

Việc so sánh liên tục có xu hướng làm suy yếu lòng tự tin và tạo ra sự bất lực, làm giảm cảm giác gần gũi giữa hai người và khiến mối quan hệ hiện tại trở nên kém đặc biệt hơn.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những cá nhân hay tự ti thường đánh giá thấp tình yêu mà người yêu/bạn đời dành cho mình. Điều này dẫn đến sự hài lòng trong mối quan hệ, sự lạc quan về tương lai thấp hơn; bên cạnh việc làm suy yếu tình cảm yêu thương và cam kết thực sự.

Điều quan trọng là phải nhớ rằng mạng xã hội chỉ trình bày một phiên bản được tuyển chọn cẩn thận, một phần về cuộc sống của mọi người, thường thể hiện những khía cạnh tích cực nhất. Khi bạn so sánh mối quan hệ của mình như một tổng thể (với tất cả những điểm không hoàn hảo) với đoạn phim đã được tuyển chọn của một mối quan hệ không còn tồn tại nữa, nó có vẻ lý tưởng và đe dọa hơn nhiều so với thực tế.

Cuối cùng, chu kỳ của những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ sự ghen tuông và so sánh trực tuyến có thể cản trở khả năng tận hưởng, trân trọng trọn vẹn mối quan hệ hiện tại.

Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa sử dụng Instagram nhiều hơn với giảm sự hài lòng trong mối quan hệ do thời gian và sự chú ý dành cho người yêu/bạn đời giảm. Điều này đã được chứng minh là gây ra xung đột và kết quả tiêu cực trong tình yêu/hôn nhân.

Khi tìm kiếm thông tin trực tuyến, bạn có thể đang cố gắng tìm kiếm sự an tâm hoặc đánh giá xem mình có ngang bằng với những tình cũ hay không, hoặc xác định xem bạn có "đủ tốt" với người yêu/bạn đời hiện tại hay không. Bạn có thể đang cố gắng kiểm soát hoặc dự đoán kết quả của mối quan hệ của mình như một cách để bảo vệ bản thân khỏi sự đau khổ trong tương lai. Tuy nhiên, sống trong quá khứ hoặc tương lai sẽ cướp mất hiện tại của bạn.

Sau đây là ba cách giúp mọi người tập trung hơn vào mối quan hệ hiện tại, thay vì ám ảnh bởi quá khứ:

- Chấp nhận giao tiếp cởi mở: Tạo ra một môi trường mà cả bạn và nửa kia của bạn có thể chia sẻ cởi mở những lo lắng, sợ hãi, bất an mà không bị phán xét.

- Thiết lập ranh giới: Đặt ra ranh giới rõ ràng cho sự riêng tư trong mối quan hệ của bạn và cố gắng thiết lập ranh giới cho bản thân liên quan đến việc kiểm tra mạng xã hội của người kia.

- Tăng cường kết nối thực tế: Thay vì tập trung vào các tương tác trực tuyến, hãy đầu tư năng lượng vào việc nuôi dưỡng mối quan hệ hiện tại. Hãy lưu tâm đến nhu cầu của nhau và lên kế hoạch về cách bạn muốn dành thời gian cho nhau. Tham gia vào các hoạt động củng cố mối quan hệ và tạo ra những kỷ niệm tích cực.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cai-gia-khi-suot-ngay-rinh-mo-trang-ca-nhan-tinh-cu-cua-nguoi-yeu-post1512979.html