Cái giá môi trường phải trả cho mỗi chiếc xe điện

Việc khai thác và xử lý kim loại dùng trên xe điện là quy trình phức tạp, gây nguy hại tới sức khỏe của công nhân cũng như sự ổn định của hệ sinh thái tự nhiên.

Xe điện được đa phần công chúng coi là phương tiện thân thiện môi trường, thứ không thể thiếu trong tham vọng cắt giảm phát thải khí CO2. Tuy nhiên, việc sản xuất xe điện đòi hỏi chi phí nhân công và môi trường không hề nhỏ.

Để sản xuất ra một chiếc xe điện đòi hỏi lượng kim loại đầu vào gấp 6 lần so với xe chạy bằng động cơ đốt trong thông thường. Các loại kim loại cần thiết trong sản xuất xe điện, bao gồm cobalt, nickel, lithium hay manganese, đều là tài nguyên hữu hạn. Việc khai thác và xử lý chúng gây nguy hại tới sức khỏe của công nhân cũng như môi trường, theo Washington Post.

Tốn nguyên liệu hơn xe xăng

Xe điện hiện đã có thị phần không nhỏ trong lựa chọn giao thông ở nhiều quốc gia. Loại phương tiện này chiếm hơn 10% doanh số ôtô mới bán ra trên toàn cầu. Tại Mỹ, các quy định và ưu đãi mới dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm xe điện.

Theo dự đoán, doanh số xe điện sẽ đạt 687 triệu chiếc vào năm 2040, vượt qua xe hơi sử dụng động cơ đốt trong. Xu thế sử dụng xe điện sẽ giúp giảm mạnh phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông. Giao thông hiện chiếm 14% phát thải khí nhà kính toàn cầu mỗi năm.

Trong bối cảnh nhu cầu xe điện tăng lên, nhu cầu tiêu thụ các kim loại dùng để sản xuất pin dùng trên loại phương tiện này cũng tăng tương ứng.

Trái tim của một chiếc xe điện là cục pin nặng khoảng 400 kg, chứa nhiều kim loại khác nhau. Các kim loại được khai thác từ lòng đất, chúng phải trải qua quy trình luyện kim và xử lý phức tạp, sử dụng nhiều loại hóa chất khác nhau, cuối cùng được lắp ráp thành sản phẩm.

Toàn bộ quy trình khai thác, chế biến và sản xuất này tạo ra gánh nặng đáng kể cho con người cũng như môi trường.

"Bất kỳ nguồn cung năng lượng này cũng đòi hỏi phải đánh đổi. Chẳng bao giờ có giải pháp nào hoàn hảo", Sergey Paltsev, chuyên gia Đại học MIT, cho biết.

Một trong các loại pin xe điện phổ biến nhất là NMC, được sử dụng trên phương tiện của Volkswagen, Mercedes and Nissan, chứa trong nó lượng lớn nhôm, nickel, cobalt, manganese và lithium.

Trong khi các loại pin khác nhau có cấu tạo khác nhau, chúng chủ yếu dựa trên những loại kim loại tương tự.

Nhôm

Các loại kim loại quan trọng nhất với pin của xe điện thường tập trung ở một số nhỏ quốc gia. Với những nước này, sự bùng nổ của xe điện mang tới cơ hội kinh tế lớn, nhưng đồng thời tạo ra các thách thức môi trường và xã hội chưa có phương thức hóa giải.

Nhôm, kim loại được sản xuất từ Bauxite, chủ yếu được khai thác tại Australia, Trung Quốc và Guinea. Nhôm là kim loại nhẹ, giúp xe điện di chuyển xa hơn mỗi lần sạc so với việc sản xuất bằng thép. Nhôm cũng là một trong số khoáng chất quan trọng nhất trong pin xe điện.

Guinea, một trong các quốc gia nghèo nhất thế giới, là nước có trữ lượng nhôm lớn nhất Trái Đất. Tới 2030, nhu cầu nhôm sẽ tăng gần 40%, lên mức 119 triệu tấn/năm, giới phân tích nhận định. Tuy vậy, xu thế này gây hại cho chính người dân sống phía trên các mỏ quặng.

Chính phủ Guinea cho biết hàng trăm km2 đất nông nghiệp đã bị các công ty khai mỏ thu hồi để khai thác, cũng như xây dựng các công trình phụ trợ như đường bộ, đường sắt, cảng biển. Người dân chỉ nhận được phần đền bù ít ỏi, các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người địa phương cho hay.

Nickel

Indonesia là nước khai thác nickel lớn nhất thế giới. Nếu xu thế khai thác này tiếp tục, quốc gia Đông Nam Á sẽ sản xuất hơn 2/3 nguồn cung nickel toàn cầu vào 2030.

Nhu cầu nickel toàn cầu dự kiến tăng gần 20 lần vào năm 2040. Các quan chức Indonesia mới đây đã phê chuẩn việc xây dựng thêm 9 nhà máy luyện nickel mới nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ làn sóng này. Chính phủ cũng cấm xuất khẩu quặng nickel để tối đa hóa lợi nhuận trong nước.

 Indonesia thống trị ngành sản xuất Nickel. Ảnh: Washington Post.

Indonesia thống trị ngành sản xuất Nickel. Ảnh: Washington Post.

Tuy vậy, người dân địa phương đang lo sợ khai thác và chế biến nickel sẽ gây ra tác động tiêu cực cho môi trường sống.

Khoảng 60% dự trữ nickel thế giới tập trung ở 3 nước gồm Indonesia, Australia và Brazil. Việc nằm gần 2 trong 3 nước dự trữ lớn nhất thế giới giúp Trung Quốc có lợi thế tiếp cận nguồn cung. Những khoản đầu tư nước ngoài khổng lồ trong khai thác nickel đã được các doanh nghiệp Trung Quốc mang tới Indonesia và Australia.

Manganese

Nam Phi khai thác 72 triệu tấn manganese/năm, chiếm hơn 1/3 sản lượng manganse toàn cầu. Các chuyên gia dự báo nhu cầu manganse thế giới phục vụ sản xuất pin sẽ tăng 9 lần trong vòng 10 năm tới. Manganse nguyên chất chất lượng cao giúp tăng hiệu quả của pin trên xe điện và giảm nguy cơ pin bắt lửa.

Tuy vậy, khai thác manganese là công việc độc hại. Công nhân tại các hầm mỏ ở Nam Phi cho biết họ đã trải qua nhiều tình trạng sức khỏe bất thường như mất trí nhớ, nói ngọng hay các vấn đề về thể chất đặc trưng của việc tiếp xúc lâu với bụi mịn do khai khoáng.

Ngoài Nam Phi, các nước cũng khai thác manganse với quy mô khổng lồ bao gồm Gabon hay Australia.

Lithium

Khả năng dẫn điện và khối lượng nhẹ của lithium giúp pin xe điện tạo ra năng lượng không thua kém động cơ đốt trong. Dự báo, nhu cầu lithium sẽ tăng 40 lần vào năm 2040, trong đó 80% được sử dụng trên xe điện. Australia, Chile và Trung Quốc dẫn đầu ngành khai thác lithium.

3 trong số nguồn dự trữ lithium lớn nhất thế giới nằm ở Nam Mỹ, được biết đến với tên gọi "tam giác lithium". Đây là khu vực đồng muối khô cằn giữa Argentina, Chile và Bolivia. Việc khai thác lithium ở đây tương đối dễ dàng, đôi khi chỉ cần làm bay hơi nước muối tại lưu vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu lithium tăng cao, việc khai thác kim loại này có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước sạch vốn đã khan hiếm, đe dọa sự sinh tồn của người thổ dân địa phương, cũng như đe dọa hệ sinh thái mong manh tại đây.

Nguồn cung lithium nhiều khả năng sẽ sớm tăng thêm. Afghanistan sở hữu nguồn lithium chưa khai thác, được dự báo lớn không thua các nước có trữ lượng lithium hàng đầu. Trước đó, Trung Quốc đã thể mong muốn làm việc với Taliban để tiếp cận nguồn lithium nói trên.

Cobalt

Nhu cầu cobalt được dự báo tăng 20 lần vào năm 2040. Cộng hòa Dân chủ Congo sở hữu 27% số mỏ cobalt trên thế giới. Ngành cobalt Congo chịu sự thống trị của các công ty Trung Quốc.

Khoảng 15% hoạt động khai thác mỏ ở Congo là bất hợp pháp. Khoảng 200.000 người làm việc tại các hầm mỏ chui, với điều kiện lao động tồi tệ.

Congo là nước có trữ lượng cobalt lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh nhu cầu cobalt tăng lên, các nhà hoạt động kêu gọi chính phủ giám sát và thi hành luật quyết liệt hơn để bảo vệ công nhân trong ngành này.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cai-gia-moi-truong-phai-tra-cho-moi-chiec-xe-dien-post1439653.html