Cái giá Ukraine có thể phải trả để đổi lấy hòa bình khi ông Trump trở lại

Ukraine đang chiến đấu để giữ lại một phần lãnh thổ của Nga mà họ chiếm được trong nhiều tháng và các chuyên gia cho biết kết quả có thể ảnh hưởng đến kế hoạch về một khu phi quân sự mà ông Donald Trump đang cân nhắc để chấm dứt xung đột.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này đang phải chiến đấu với 50.000 quân Nga ở Kursk sau khi Kiev tiến hành cuộc đột kích táo bạo vào khu vực này hồi tháng 8.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong phiên họp Quốc hội ở Kiev. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong phiên họp Quốc hội ở Kiev. Ảnh: Reuters

Chiến dịch trên đã khiến Moscow bất ngờ và các quan chức Ukraine cho rằng động thái này đóng vai trò quan trọng trong việc buộc quân đội Nga rời khỏi các khu vực khác trên tiền tuyến. Hiện nay, Ukraine cho biết họ đang cố gắng đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi các vị trí ở mặt trận phía Đông giữa bối cảnh Moscow gia tăng sức ép.

"Các lực lượng của Nga đang cố gắng đánh bật quân đội chúng tôi và tiến sâu vào lãnh thổ mà chúng tôi kiểm soát", ông Zelensky nói về cuộc giao tranh ở Kursk trên Telegram tuần này.

Vào thời điểm cuộc phản công diễn ra ở Kursk, nơi Ukraine chiếm được một phần lãnh thổ của Nga, ông Zelensky nói rằng nó có thể được sử dụng như một quân bài mặc cả trong tương lai.

Cân nhắc đóng băng tiền tuyến lâu dài

3 nguồn tin nhận định với tờ Wall Street Journal (WSJ) rằng một khu vực rộng 1.200km sẽ được thiết lập, về cơ bản là giữ nguyên tiền tuyến.

Điều đó sẽ đi kèm với các thỏa thuận an ninh từ phương Tây để cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trong tương lai. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chính xác thì khu vực này sẽ hoạt động như thế nào.

"Chúng tôi có thể đào tạo và cung cấp sự hỗ trợ khác nhưng nòng súng sẽ là của châu Âu", một thành viên trong đội ngũ của ông Trump nhận định với WSJ.

"Chúng tôi không đưa người Mỹ đến để duy trì hòa bình ở Ukraine. Chúng tôi cũng không trả tiền cho việc đó. Hãy để Ba Lan, Đức, Anh và Pháp làm điều này", quan chức trên cho hay.

Các báo cáo khác cho rằng Ukraine có thể bị buộc phải từ bỏ các vùng đất hiện Nga đang kiểm soát - khoảng 20% diện tích đất nước, để đổi lấy hòa bình. Ông Zelensky đã bác bỏ giải pháp nhượng bộ lãnh thổ.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã loại trừ khả năng chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra.

Ngoài ra còn có những câu hỏi về việc liệu Ukraine có bị thúc ép phải hứa không gia nhập NATO theo một thỏa thuận hòa bình được đề xuất hay không. Ông Trump từ lâu đã bày tỏ sự không hài lòng về số tiền viện trợ của Mỹ cho Ukraine, lên tới 175 tỷ USD. Ông cũng chỉ trích các nước châu Âu đã không nộp đủ ngân sách cho NATO, trong đó Mỹ là nước tài trợ hàng đầu.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tới Brussels để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine trong các cuộc họp với các đối tác NATO và EU trong tuần này.

Kursk là quân bài mặc cả

Ông John Lough, một chuyên gia về Nga tại viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Chatham House nói với ABC rằng "không phải ngẫu nhiên" mà Nga tăng cường lực lượng ở Kursk trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

"Họ muốn chứng minh với ông Trump và chính quyền mới rằng cuộc xung đột này đang diễn ra theo một hướng, đó là Ukraine liên tục thua cuộc và nếu không còn sự hỗ trợ quy mô lớn của Mỹ nữa thì Ukraine sẽ phải đầu hàng", ông Lough cho hay.

Theo chuyên gia này, Nga muốn giành lại toàn bộ khu vực trên nhưng khả năng đạt được mục tiêu vẫn chưa rõ ràng.

Ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông có thể chấm dứt xung đột trong 24 giờ song không nêu chi tiết cách thức. Chuyên gia Lough nhận định, Kursk có thể trở nên quan trọng với cả hai bên tùy vào những gì ông Trump đang nghĩ đến.

"Nó có thể là một quân bài mặc cả cho Ukraine nếu họ giữ được vị thế của mình ở đó và nếu ông Trump cho thấy ông ấy đang mong đợi một lệnh ngừng bắn tạm thời để xem liệu họ có thể giải quyết được vấn đề gì không và sau đó Nga sẽ gặp rắc rối", chuyên gia này bình luận.

Khu vực trên cũng có khả năng sẽ được sử dụng trong bất kỳ thỏa thuận trao đổi lãnh thổ tiềm năng nào mà ông Lough tin rằng có vẻ ngày càng có khả năng xảy ra vào một thời điểm nào đó.

Thách thức của ông Trump để đạt được thỏa thuận hòa bình

Giám đốc Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine Alexander Khara cho biết Ukraine khó có thể đồng ý với bất kỳ thỏa thuận khu phi quân sự nào do ông Trump đề xuất.

"Nó sẽ không thành công", ông Khara nói với ABC từ thủ đô Kiev của Ukraine. Theo ông: "Ông Trump sẽ không thể áp đặt lệnh ngừng bắn đối với Ukraine vì nó không tương thích với sự tồn tại của nhà nước Ukraine hoặc tương lai nước này".

Ông cũng cho biết việc nhượng lại bất kỳ lãnh thổ nào cho Nga là không khả thi. Theo chuyên gia Khara, nếu Nga vẫn chiếm Crimea, Moscow sẽ tiếp tục đe dọa cả Ukraine và châu Âu do vị trí chiến lược của Crimea với Biển Đen.

"Hạm đội Biển Đen được thành lập để phô trương sức mạnh trên Địa Trung Hải, gây ra mối đe dọa với NATO và khu vực bằng tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân".

Ông Lough cho biết lời hứa của ông Trump trong chiến dịch tranh cử về việc chấm dứt xung đột trong 1 ngày sẽ quay lại ám ảnh Tổng thống đắc cử Mỹ.

"Tôi cho rằng một khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử sẽ xung đột với thực tế bởi ông ấy phát hiện ra rằng vấn đề này phức tạp hơn nhiều so với những gì ông ấy nghĩ ban đầu".

Nga phủ nhận việc ông Trump cảnh báo ông Putin không được leo thang xung đột trong cuộc điện đàm tuần này. Cuộc điện đàm đó rõ ràng diễn ra vào thời điểm Nga và Ukraine đang tiến hành các cuộc tấn công trên không quy mô lớn.

Ông Lough cho biết ông Trump không thể đáp ứng mọi yêu cầu của Nga và cần phải cân bằng các lời kêu gọi để đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: ABC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cai-gia-ukraine-co-the-phai-tra-de-doi-lay-hoa-binh-khi-ong-trump-tro-lai-post1135238.vov