Cái gốc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng. Do vậy, mỗi đơn vị đã có nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện PCTN một cách có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế và luôn chú trọng phòng ngừa là chính.
Thực tế, các vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế xảy ra trên địa bàn tỉnh không nhiều (trung bình nhiều năm qua, mỗi năm không quá 3 vụ) nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trật tự trị an địa phương. Hành vi phạm tội của các đối tượng chủ yếu lợi dụng sự sơ hở trong quản lý, thiếu kiểm tra của cấp trên, quy định chưa chặt chẽ của pháp luật trên lĩnh vực được phân công, lập chứng từ kế toán khống để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Đáng nói, tính chất phức tạp của hành vi vi phạm trên lĩnh vực tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, các đối tượng phạm tội có trình độ nhất định, hiểu biết pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người có chức quyền với những người dân bên ngoài hợp thức hóa chứng từ, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Để xử lý loại tội phạm này cần phải có “tinh thần thép”, đồng chí Lê Thanh Vũ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tạo môi trường tư pháp công khai, minh bạch. Chú trọng công tác cán bộ và xem đây là điều kiện để triển khai các nhiệm vụ cụ thể, lấy phòng ngừa là chính. Đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Định kỳ, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh còn đối thoại, trao đổi trực tiếp với thẩm phán về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao để tìm nguyên nhân hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả. Lãnh đạo, chỉ đạo không ngừng nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của tòa án. Trong đó, chú trọng đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp...”.
Bên cạnh thực hiện nghiêm việc phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh còn chỉ đạo khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Các án tham nhũng, kinh tế đều có kế hoạch đưa ra xét xử sớm, được sự đồng tình cao của dư luận xã hội và nhân dân. Các bản án, quyết định đã tuyên đảm bảo đúng pháp luật, công bằng, nghiêm khắc đã răn đe, trấn áp được tội phạm tham nhũng, kinh tế và các loại tội phạm khác, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Để PCTN hiệu quả, mỗi cơ quan, đơn vị đều khá chú trọng giải pháp để nâng cao trách nhiệm và ý thức pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Vì cho rằng chỉ có sự nhận định đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về hành vi tiêu cực thì mới có thể tiến tới đẩy lùi, xóa bỏ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Uốt - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS), công tác thi hành án là khá nhạy cảm, phức tạp có liên quan đến lợi ích kinh tế của tổ chức, cá nhân nên dễ xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu. Do đó, Cục THADS đã tăng cường quán triệt các văn bản từ Trung ương đến địa phương liên quan đến PCTN. Hàng năm, Cục THADS đều đề ra kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn, chi cục THADS các huyện, thị xã, thành phố trong việc tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan THADS hai cấp. Theo đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai đồng bộ.
Xác định công tác PCTN là nhiệm vụ lâu dài, tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng, không nóng vội, không chủ quan. Đồng thời, cần phải có kế hoạch cụ thể, có bước đi vững chắc và sử dụng nhiều biện pháp. Lãnh đạo Cục THADS đã thực hiện tốt quy chế dân chủ về công khai kết quả xét duyệt quyết toán, dự toán phân bổ ngân sách nhà nước; mua sắm, sử dụng tài sản... Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế, kỷ luật công vụ. Đặc biệt, chú trọng quan tâm giáo dục đạo đức, phẩm chất chính trị trong đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan THADS hai cấp và tăng cường công tác kiểm tra, khi có sai phạm sẽ cương quyết làm rõ, xử lý kịp thời, có hiệu quả đối với các cá nhân, đơn vị bị phát hiện có tiêu cực, tham nhũng, lãng phí theo đúng quy định pháp luật. Thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; tập trung kiện toàn, củng cố đội ngũ công chức lãnh đạo, trước hết là những đơn vị còn yếu, kém.
Đồng chí Nguyễn Văn Uốt khẳng định: "Đối với những cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị vững vàng, lối sống lành mạnh thì khả năng tiêu cực, tham nhũng sẽ bị loại trừ cao. Ở lĩnh vực THADS thường rất dễ đụng chạm dẫn đến dễ phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo sai sự thật hoặc cố tình khiếu nại, tố cáo để kéo dài nghĩa vụ thi hành án nên đòi hỏi cán bộ càng phải vững vàng, bản lĩnh hơn”. Tuy nhiên, để khích lệ cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, lãnh đạo Cục THADS phát động nhiều phong trào thi đua, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Đặc biệt, kiến nghị, đề xuất về trên có những chế độ bồi dưỡng phù hợp để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho cán bộ, công chức an tâm công tác.
Qua các vụ án tham nhũng có thể thấy rõ, tình trạng tham nhũng có thể xảy ra ở các cấp từ xã đến tỉnh và từ cán bộ chuyên môn đến lãnh đạo đơn vị. Phải nói rằng, tham nhũng không hề kiêng dè hay buông tha cho bất cứ một cán bộ nào, nếu họ không biết kiềm chế được sự ham muốn bản thân, lòng tham. Rồi những cán bộ có phẩm chất đạo đức bị thoái hóa, thiếu trách nhiệm trước công việc, lối sống không lành mạnh... đều có thể rơi vào đối tượng tham nhũng. Chính vì thế, cái gốc dẫn đến PCTN hiệu quả nhất chỉ có thể là do “bản lĩnh, tư tưởng, nhận thức, đạo đức và lối sống” của mỗi cán bộ, công chức.