Cái kết của trò quấy rối bằng ảnh khiêu dâm
Rebecca Odorisio (35 tuổi), diễn viên kiêm ca sĩ sống ở Brooklyn (Mỹ), đang về nhà trên một chuyến tàu đông đúc thì bất ngờ nhận được bức ảnh từ người lạ qua điện thoại.
Người này tự nhận mình là “The Enterprise”. Hình ảnh hiển thị là dương vật của hắn, được gửi cho Odorisio qua AirDrop, tính năng của iPhone cho phép người dùng gửi ảnh và tài liệu cho bất kỳ ai trong vòng 9 m. Cô hoảng hốt và nhanh chóng bấm từ chối nhận.
“Tôi cảm thấy như bị đấm vào ruột. Đây không phải là lần đầu tiên chuyện như vậy xảy ra với tôi. Nó thật kinh khủng”, nữ diễn viên người Mỹ nói.
Hành vi này được gọi là “cyberflashing” - một thuật ngữ dùng để chỉ loại tội phạm liên quan đến việc gửi hình ảnh tình dục cho người lạ thông qua các phương tiện kỹ thuật số, ứng dụng hẹn hò, nền tảng truyền thông xã hội hoặc tính năng chia sẻ tệp như AirDrop, Bluetooth.
Đối với nhiều người ở độ tuổi nhất định, đặc biệt là phụ nữ, “cyberflashing” đã trở thành mối rủi ro tiềm ẩn trên Internet, theo New York Times.
Nỗi ám ảnh
Hành vi quấy rối bằng ảnh khiêu dâm được ghi nhận lần đầu tiên ở London (Anh) vào năm 2015, khi một phụ nữ nói với cảnh sát giao thông rằng cô đã nhận được những tấm hình nhạy cảm trên điện thoại qua AirDrop.
Thời điểm đó, người dân ở New York (Mỹ), Toronto (Canada) và các thành phố khác đã cảnh báo trên Facebook và Instagram về cách các bức ảnh khiêu dâm hiển thị qua điện thoại của họ.
Tình trạng này thường xảy ra ở các phương tiện giao thông công cộng đông đúc. Tuy nhiên, một số người dùng lại cho rằng đây chỉ là một trò đùa vô hại.
AirDrop cho phép mọi người gửi hình ảnh ẩn danh, không có cách nào để nhận dạng ai là thủ phạm trong toa tàu đông đúc. Theo Fast Company, Apple hoàn toàn có thể giải quyết tình trạng này bằng cách ẩn hiển thị hình ảnh trên tính năng này hoặc phát thông báo khi nhận ảnh từ người lạ.
Payton Iheme (43 tuổi), người đứng đầu chính sách công của ứng dụng hẹn hò Bumble tại Mỹ, đang nỗ lực kêu gọi một số tiểu bang thông qua luật trừng phạt “hành vi tấn công mạng”.
Từng làm tình báo trong quân đội đến tư vấn cho Nhà Trắng về khoa học và công nghệ, Iheme nói rằng mục đích công việc của bà là thách thức các tiêu chuẩn tương tác trực tuyến.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 1/3 phụ nữ dưới 35 tuổi ở xứ sở cờ hoa từng bị quấy rối tình dục trực tuyến.
Viktorya Vilk, giám đốc chương trình an toàn kỹ thuật số và quyền tự do ngôn luận tại PEN America, cho biết “cyberflashing” cùng các thủ đoạn lạm dụng trực tuyến khác thường nhắm vào nữ giới, những người yếu thế và khiến họ cảm thấy không an toàn ở nơi công cộng, nhà, điện thoại, máy tính xách tay.
Một cuộc thăm dò của YouGov ở Anh cho thấy 40% phụ nữ thuộc thế hệ Millennials từng nhận được một bức ảnh nhạy cảm về cơ quan sinh dục nam.
Đối với trẻ em gái từ 12 đến 18 tuổi, tỷ lệ đó thậm chí còn cao hơn, theo một báo cáo học thuật được tài trợ bởi trường đại học ở Anh. 3/4 số cô gái được khảo sát nói rằng họ vô tình nhận những bức ảnh quấy rối từ đàn ông.
Hệ lụy
“Mọi người sẽ hiểu cảm giác khi ai đó tụt quần trước mặt mình ở nơi công cộng. Nhưng vì một số lý do, chúng ta không nhận ra rằng hành vi đó không khác gì việc gửi ảnh nóng qua điện thoại”, Carrie Coyner, một thành viên của Hạ viện Virginia, nói.
Gần đây, Virginia đã thông qua luật bồi thường 500 USD cho những ai nhận được hình ảnh khiêu dâm không mong muốn.
Theo bà Iheme, quyền riêng tư, an toàn trong không gian kỹ thuật số tương tự như thế giới bên ngoài, đặc biệt là đối với thế hệ lớn lên cùng Internet. Hệ lụy xảy ra trên mạng cũng giống như ngoài đời thực.
Còn Vilk cho hay luật chống vi phạm trên mạng là quan trọng, nhưng nó không nên được các công ty công nghệ lấy làm cái cớ để giảm nhẹ trách nhiệm đối với sự an toàn của người dùng.
Bumble đã kết hợp chính sách của mình với những nỗ lực khác, bao gồm cài đặt phần mềm trí tuệ nhân tạo để phát hiện và làm mờ các bức ảnh khiêu dâm. Những người chia sẻ ảnh nóng mà không có sự đồng ý có thể bị chặn khỏi ứng dụng.
Nền tảng này đã bắt đầu thúc đẩy luật chống vi phạm trên mạng vào năm 2019 ở Texas, nơi hành vi này được xếp vào tội nhẹ loại C.
Việc giành được sự ủng hộ đối với quy định trên là một cuộc chiến khó khăn. Với mỗi bang mà Iheme tham gia, cô phải giải thích lại khái niệm về “cyberflashing”, tìm các bên liên quan để hợp tác và xây dựng luật cho chính quyền địa phương.
Nima Elmi, người giám sát chính sách công của Bumble ở châu Âu, khẳng định Mỹ đã đặt ra những thách thức đặc biệt để luật được thông qua. Sự khác nhau của mỗi bang khiến việc đàm phán trở nên phức tạp hơn.
Giải pháp hữu hiệu nhất hiện tại cho vấn đề này là chỉnh cài đặt mặc định của Apple hoặc tắt tính năng AirDrop ở nơi công cộng.
Tại New York, quấy rối ai đó qua điện thoại, thư hoặc các hình thức liên lạc bằng văn bản được coi là phạm tội nhẹ. Nhưng luật đó không đề cập rõ ràng đến vấn đề hình ảnh trực quan.
Danielle Citron, giáo sư luật tại Đại học Maryland, cho biết không có số liệu thống kê nào theo dõi mức độ phổ biến của quấy rối bằng ảnh khiêu dâm.
Điều này cần sự nỗ lực lớn hơn của chính phủ và các công ty công nghệ nhằm ngăn chặn nó hoàn toàn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-ket-cua-tro-quay-roi-bang-anh-khieu-dam-post1326557.html