Cái kết không có hậu

Người dân Mỹ hiện tại có cái nhìn rất không công bằng và thiếu khách quan về thành quả cầm quyền của Tổng thống Joe Biden

Khi ông Joe Biden rời nhiệm sở vào ngày 20-1 tới, không chỉ có một tổng thống Mỹ kết thúc nhiệm kỳ mà còn có một chính trị gia thuộc diện lão làng ở nước Mỹ rời khỏi chính trường sau hơn nửa thế kỷ tham gia.

Ông Biden kế nhiệm ông Donald Trump thuộc Đảng Cộng hòa làm tổng thống 4 năm trước và nay trở thành người tiền nhiệm của chính ông Trump. Bi hài kịch về nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden nằm ở nút thắt này.

Không bi hài sao được khi ông Biden tự đề ra cho mình sứ mệnh giải thoát nước Mỹ khỏi những tham vọng quyền lực và quan điểm chính sách của ông Trump để rồi ông Trump lại được đa số cử tri ở Mỹ bầu chọn làm người kế nhiệm.

Lịch sử nước Mỹ sau này thế nào chưa biết chứ dân Mỹ hiện tại có cái nhìn rất không công bằng và thiếu khách quan về thành quả cầm quyền của Tổng thống Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu chia tay tại Nhà Trắng hôm 15-1 Ảnh: FACEBOOK

Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu chia tay tại Nhà Trắng hôm 15-1 Ảnh: FACEBOOK

Lạm phát và nhập cư là hai chủ đề nội dung phân định thắng bại giữa ông Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua ở Mỹ.

Trên thực tế, ông Biden đã đạt được một số thành công trong chuyện chống lạm phát và ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép vào Mỹ chứ không phải không hề làm gì để ứng phó và không gặt hái được thành quả đáng kể nào.

Nhiệm kỳ cầm quyền của ông Biden khó khăn chứ không thuận lợi. Bốn thách thức lớn nhất về đối nội là đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng nhập cư, tỉ lệ lạm phát cao và sự phân rẽ trầm trọng nhất từ trước đến nay trên chính trường và trong nội bộ xã hội với hệ lụy trực tiếp là sự bất hợp tác quyết liệt của Đảng Cộng hòa.

Về đối ngoại, hai cuộc khủng hoảng lớn về chính trị an ninh thế giới là xung đột Ukraine - Nga và những xung khắc tiếp sau đó ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh thách thức bản lĩnh và năng lực lãnh đạo nước Mỹ của ông Biden.

Người dân ở Mỹ dường như chỉ để ý đến tình trạng giá cả sinh hoạt cao, tỉ lệ lạm phát dù giảm đáng kể nhưng vẫn còn cao mà không để ý thỏa đáng đến việc ông Biden phục hồi được tăng trưởng kinh tế cho đất nước, đối phó thành công đại dịch, đưa ra và thực hiện được gói tài chính nâng cấp và xây dựng mới mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ số cũng như gói tài chính thúc đẩy năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu.

Ông Biden đã đưa nước Mỹ trở lại với thế giới, khôi phục uy danh và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khối phương Tây, thống nhất được khối này trong việc đối đầu Nga và hậu thuẫn Ukraine.

Những dấu ấn và di sản cầm quyền này đều có ý nghĩa rất to lớn đối với nước Mỹ nhưng lại bị lu mờ bởi ấn tượng về tuổi cao và sức khỏe có phần không thật sự ổn mà ông Biden thể hiện trước công chúng và bởi việc ông buộc phải buông bỏ chủ định tái ứng cử.

Ông Biden đã làm cho nước Mỹ trở nên khác biệt so với thời ông Trump nhưng những đổi thay này chưa đủ bền vững và những hiệu ứng tích cực của chúng không được bộ máy chính quyền của ông truyền tải hiệu quả để người dân ở Mỹ cảm nhận trực tiếp và công nhận. Ông Trump được lợi rất nhiều từ tình trạng này.

Rời Nhà Trắng, ông Biden có thể nói rằng đã thực hiện những cam kết tranh cử. Nhưng ông không thành công trong tham vọng đưa nước Mỹ ra khỏi tầm ảnh hưởng của ông Trump và cộng sự. Vì thế, những dấu ấn cầm quyền của ông Biden sẽ rất nhanh chóng bị người kế nhiệm hủy bỏ hoặc xóa nhòa.

Ông Donald Trump đổi kế hoạch

Trong bài đăng hôm 17-1 trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông quyết định dời các sự kiện chính của lễ nhậm chức vào ngày 20-1 tới - bao gồm bài diễn văn của ông và các bài phát biểu khác - vào khu Rotunda (bên dưới mái vòm chính) của Điện Capitol thay vì tổ chức ngoài trời.

"Chúng tôi sẽ mở Capital One Arena vào ngày 20-1 và tổ chức lễ diễu hành của tổng thống tại đây. Tôi sẽ tham gia cùng đám đông tại Capital One, sau lễ tuyên thệ nhậm chức" - ông Trump nhấn mạnh. Capital One Arena là sân vận động lớn tại thủ đô Washington DC.

Thách thức lớn nhất hiện nay là khu Rotunda của Điện Capitol không đủ chỗ cho hàng ngàn người dự kiến tham gia buổi lễ. Ủy ban Quốc hội chung về lễ nhậm chức đang sắp xếp một số địa điểm để theo dõi trực tuyến.

Ngoài ra, các cơ quan liên quan chỉ có 3 ngày để lập kế hoạch an ninh mới thay thế kế hoạch ban đầu vốn đã mất nhiều tháng chuẩn bị. Lễ nhậm chức của ông Trump dự kiến có sự tham dự của hàng trăm ngàn khách có vé cùng khoảng 25.000 nhân viên thực thi pháp luật và quân đội.

Năm nay, cơ quan thời tiết dự báo nhiệt độ ngày 20-1 vào khoảng -11 độ C, biến lễ nhậm chức của ông Trump thành lễ nhậm chức lạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Mỹ.

Anh Thư

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cai-ket-khong-co-hau-196250118210831251.htm