Cái khó của Phương Mỹ Chi

Thay vì tạo hiệu ứng lan truyền bằng hình ảnh thời thượng hay vũ đạo bắt mắt, Phương Mỹ Chi tập trung làm mới chất liệu dân tộc và kể chuyện bằng âm nhạc trong 'Sing! Asia'. Chiến thắng áp đảo ở vòng tứ kết cho thấy chất lượng nghệ thuật, dù phong cách của cô chưa dễ tạo lan tỏa trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.

Định vị bằng chất liệu dân tộc

Không chọn con đường dễ dàng với những bản hit EDM hay pop bắt tai, Phương Mỹ Chi ghi dấu ấn tại Sing! Asia 2025 âm nhạc dân gian Việt Nam, được làm mới bằng bản phối hiện đại, với các ca khúc như Bóng phù hoa, mashup Lý Bắc bộ (Bà còng đi chợ trời mưa, Lý cây đa, Bà rằng bà rí, Đẩy xe bò)…

Các tiết mục của Phương Mỹ Chi giúp cô phô diễn giọng hát, được khán giả Trung Quốc ca ngợi là “tiếng hát cá heo. Điểm nhấn là ca sĩ tích hợp yếu tố văn hóa như võ Vovinam, áo tứ thân, hay điệu múa trống cơm... trong mỗi phần thi. Trang phục của ca sĩ cũng được đầu tư kỹ lưỡng, từ áo dài cách tân đến váy hoa sen, giúp cô kể câu chuyện về sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

Phương Mỹ Chi đưa văn hóa lên trang phục trình diễn trong những phần thi ở Trung Quốc. Ảnh: iQIYI.

Phương Mỹ Chi đưa văn hóa lên trang phục trình diễn trong những phần thi ở Trung Quốc. Ảnh: iQIYI.

Hướng đi của Phương Mỹ Chi mang tính chiến lược, vừa có thể khoe tài năng mà còn đóng vai trò “đại sứ văn hóa”. Chiến thắng áp đảo trước đối thủ Hoàng Linh tại vòng tứ kết Sing! Asia (15-6 phiếu) cho thấy sự công nhận từ giám khảo quốc tế.

Tập trung vào dân gian đương đại, dù xuất sắc về mặt nghệ thuật, lại khó tạo “cú nổ” lớn như các dòng nhạc phổ biến hơn tại thị trường Trung Quốc. Khán giả xứ tỷ dân vốn quen thuộc với Kpop, Jpop hay các ca khúc nội địa sôi động, dường như chưa thực sự bị chinh phục bởi phong cách đậm chất Việt Nam này.

Cơn sốt Phương Mỹ Chi ở Sing! Asia thấy rõ ở thị trường Việt Nam. Theo BXH Billboard Vietnam Hot 100, “cô bé dân ca” đã san bằng thành tích của Sơn Tùng M-TP khi có tới 6 bài hát xuất hiện cùng một lúc trên BXH tuần này gồm Bóng phù hoa, Buôn trăng, Hề, Cầm kì thi họa, Đẩy xe bò, Rock hạt gạo.Trong khi đó, độ thảo luận, nhạc số ca khúc của Phương Mỹ Chi ở thị trường Trung Quốc vẫn khá mờ nhạt.

So với Chi Pu, người tận dụng tốt sức mạnh truyền thông và mạng xã hội trong Đạp gió 2023, Phương Mỹ Chi có phần “kín tiếng” hơn. Nếu Chi Pu xây dựng hình ảnh thần tượng trẻ trung, hợp thị hiếu với vũ đạo cuốn hút và chiến lược truyền thông bài bản, Phương Mỹ Chi lại tập trung vào chiều sâu nghệ thuật, đòi hỏi người nghe phải thẩm thấu cả lớp nghĩa văn hóa lẫn kỹ thuật thanh nhạc. Điều này giúp cô được đánh giá cao về chuyên môn, nhưng thiếu đi sự lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng như Douyin hay Weibo, nơi sức hút của một nghệ sĩ thường được đo bằng độ phủ sóng truyền thông.

Những “cú nổ” và bài học

Hoàng Thùy Linh với See tình và Tăng Duy Tân với Dạ vũ, Ngây thơ, Cắt đôi nỗi sầu… là minh chứng cho tiềm năng vươn tầm quốc tế của nhạc Việt. See tình không chỉ gây sốt tại Việt Nam mà còn lan tỏa mạnh mẽ ở thị trường châu Á. Ở Trung Quốc, ca khúc phổ biến trên Douyin (Tik Tok bản Trung Quốc), được gọi là "thần khúc", Angelababy, Chúc Tự Đan… nhiệt tình nhảy theo. Tương tự, Cắt đôi nỗi sầu của Tăng Duy Tân đạt vị trí cao trên các bảng xếp hạng Trung Quốc, được cover bởi nhiều nghệ sĩ bản địa.

Điểm chung của hai nghệ sĩ này là khả năng tạo ra các ca khúc bắt tai, dễ viral, phù hợp với thị hiếu quốc tế. Hoàng Thùy Linh tận dụng yếu tố hiện đại, kết hợp chất liệu dân gian để tạo nên âm thanh vừa mới mẻ vừa mang bản sắc Việt. Tăng Duy Tân, với dòng nhạc EDM và remix, cũng chinh phục khán giả trẻ bằng những giai điệu sôi động, dễ dàng lan tỏa trên Douyin. Dù thế, cả hai đều gặp thách thức trong việc duy trì sức hút lâu dài.

Tăng Duy Tân và Hoàng Thùy Linh chứng minh nhạc Việt có thể viral nếu biết khai thác yếu tố "trendy".

Tăng Duy Tân và Hoàng Thùy Linh chứng minh nhạc Việt có thể viral nếu biết khai thác yếu tố "trendy".

Nhiều ý kiến cho rằng hit của Việt Nam thường chỉ tạo được “tiếng vang” trong thời gian ngắn, thiếu sự bền vững và lợi nhuận, một phần do hạn chế về chiến lược quản lý và khai thác thương mại tại thị trường quốc tế.

Cơ hội và rào cản của nhạc Việt trên đấu trường quốc tế

Sự xuất hiện của Phương Mỹ Chi, Hoàng Thùy Linh, Tăng Duy Tân trên các sân khấu và bảng xếp hạng quốc tế là tín hiệu tích cực cho nhạc Việt. Để thực sự vươn tầm, nhạc Việt cần vượt qua những rào cản lớn.

Thị hiếu khán giả quốc tế, đặc biệt tại Trung Quốc, vẫn ưu tiên các dòng nhạc nội địa, Kpop hoặc Jpop. Những ca khúc mang đậm bản sắc dân gian như của Phương Mỹ Chi, dù độc đáo, lại khó cạnh tranh với các sản phẩm đại chúng.

Bên cạnh đó, chiến lược truyền thông và quản lý đóng vai trò then chốt. Chi Pu là ví dụ điển hình khi tận dụng mạng xã hội và hợp tác với các ngôi sao bản địa để tăng độ nhận diện.

Chi Pu đang là trường hợp nghệ sĩ Việt tiếp cận thị trường Trung Quốc thành công với chiến lược bài bản.

Chi Pu đang là trường hợp nghệ sĩ Việt tiếp cận thị trường Trung Quốc thành công với chiến lược bài bản.

Trong khi đó, Tăng Duy Tân hay một số nghệ sĩ Việt từng tham gia show Trung Quốc như Suni Hạ Linh, Lyly còn thiếu sự hỗ trợ từ các công ty quản lý mạnh tại thị trường quốc tế, dẫn đến hạn chế trong việc khai thác doanh thu và duy trì độ hot.

Với hướng đi đậm chất văn hóa và nghệ thuật, Phương Mỹ Chi đang mở ra lối đi riêng cho nhạc Việt trên trường quốc tế. Cô chọn cách kể chuyện dài hơi, ưu tiên chiều sâu hơn là sự bùng nổ tức thời.

Tuy nhiên, để nhạc Việt thực sự vươn xa, cần có sự kết hợp giữa bản sắc nghệ thuật và chiến lược truyền thông cùng với sự hỗ trợ từ các hệ thống quản lý chuyên nghiệp. Chỉ khi vượt qua được rào cản đó, nhạc Việt mới có thể ghi dấu ấn bền vững trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Gia Lạc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cai-kho-cua-phuong-my-chi-post1758971.tpo