Nga 'chiếm lĩnh' Afghanistan mà không cần một viên đạn
Trong khoảng trống thời hậu Mỹ ở Afghanistan, Moskva đã không lãng phí thời gian.

Các quan chức Nga và Afghanistan tại các cuộc tham vấn về Afghanistan ở thủ đô Moskva, ngày 4/10/2024. Ảnh: Sputnik
Theo bài phân tích trên trang RT.com, khi Nga công nhận Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan vào tuần trước, họ không chỉ mở một đại sứ quán mới mà còn mở ra một mặt trận địa chính trị mới. Lần đầu tiên kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021, một cường quốc thế giới đã vượt ra ngoài các mối quan hệ không chính thức và coi chính quyền ở Kabul là đối tác hợp pháp.
Vào ngày 1/7, đặc phái viên Taliban Gul Hassan đã trình bản sao thư ủy nhiệm cho Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko. Hai ngày sau, Moskva chính thức công nhận Tiểu vương quốc Hồi giáo này về mặt ngoại giao, chính trị và biểu tượng.
Động thái trên diễn ra sau một quyết định quan trọng vào tháng 4, khi Nga xóa Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc gia - một tình trạng đã tồn tại trong hơn 20 năm. Bộ Ngoại giao Nga coi việc công nhận này là một bước đi thực tế hướng tới hợp tác an ninh, đối thoại kinh tế và ổn định khu vực.
Tại Kabul, phản ứng diễn ra nhanh chóng. Taliban hoan nghênh động thái của Nga như một chất xúc tác có thể có cho sự tham gia quốc tế rộng rãi hơn. Họ có lý do để làm như vậy, bởi ngay cả phương Tây cũng vẫn giữ các kênh gián tiếp mở, không ai dám thực hiện một bước nhảy vọt, cho đến khi Nga công khai quyết định.
Đây không phải là chương đầu tiên của Nga trong các vấn đề của Afghanistan. Quay trở lại năm 2021, nước này vẫn duy trì hoạt động của đại sứ quán trong khi các nhà ngoại giao phương Tây rời đi. Và trước đó rất lâu, vào năm 1989, quân đội Liên Xô đã rút khỏi cuộc chiến kéo dài một thập kỷ chống lại các chiến binh thánh chiến, mà nhiều người trong đó sau này trở thành nòng cốt của Taliban hiện đại.
Phép tính về an ninh chiến lược
Đối với Moskva, việc công nhận Taliban không chỉ là về ngoại giao, mà còn về an ninh. Với các mối quan hệ chính thức, Nga hiện có một kênh để yêu cầu Taliban hợp tác thực sự về các vấn đề quan trọng nhất: kiềm chế các nhóm cực đoan và bảo vệ sự ổn định mong manh của Trung Á.
Tính cấp thiết không phải là lý thuyết. Vào tháng 3/2024, một vụ tấn công khủng bố chết chóc vào Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall đã làm rung chuyển thủ đô Nga. Theo các báo cáo chính thức, những kẻ thực hiện có liên quan đến Khurasan Wilayah - một nhánh của ISIS chỉ trích Taliban quá ôn hòa và coi Nga là kẻ thù.

Lực lượng an ninh Afghanistan gác bên ngoài một cơ quan thuộc Chính phủ ở Kabul, ngày 12/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Vụ tấn công này đã thay đổi những tính toán ở Điện Kremlin. Nếu Taliban kiểm soát được thực địa, thì việc hợp tác với họ - mặc dù có thể khiến một số người khó chịu - sẽ trở thành một điều cần thiết về mặt chiến lược. Năm 2024, Tổng thống Vladimir Putin công khai gọi Taliban là đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố – một tín hiệu cho thấy Moskva không coi họ là vấn đề mà là một phần của giải pháp.
Việc công nhận Taliban là một cách để chính thức hóa logic đó - chuyển từ các mối quan hệ tùy tiện sang các kỳ vọng có cấu trúc. Nga không chỉ cung cấp tính hợp pháp, mà còn yêu cầu trách nhiệm.
Thương mại đi sau ngoại giao
Cùng với sự công nhận, quyền tiếp cận sẽ đến, và Afghanistan có rất nhiều thứ để cung cấp. Giàu lithium, các nguyên tố đất hiếm và nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác, quốc gia này đã trở thành mục tiêu của các lợi ích kinh tế toàn cầu. Bây giờ, khi các mối quan hệ chính thức đã được thiết lập, các công ty Nga có thể thâm nhập thị trường với sự bảo vệ hợp pháp và hỗ trợ ngoại giao.
Nhưng đây không chỉ là về khoáng sản. Mà còn là về động lực. Xuất khẩu của Nga đã đổ vào thị trường Afghanistan, trong khi các sản phẩm nông nghiệp của Afghanistan – từ trái cây sấy khô đến thảo mộc – đang xuất hiện trên các kệ hàng ở các khu vực của Nga. Theo Financial Times, Moskva đang âm thầm xây dựng một hành lang thương mại trong khi những nước khác vẫn còn do dự.
Vị trí địa lý của Afghanistan giải quyết phần còn lại. Quốc gia này nằm ở ngã ba đường – như một một cây cầu trên bộ giữa Trung Á và Nam Á, mở ra con đường tiếp cận tương lai tới Pakistan, Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Đối với Nga, đây không chỉ là vấn đề chiến lược. Đó là vấn đề hậu cần. Trong thời đại trừng phạt và thay đổi tuyến đường thương mại, mọi hành lang mới đều quan trọng.
Sự công nhận là tấm vé vào của Moskva, và họ muốn là người đầu tiên có mặt tại bàn đàm phán.
Trong khi phương Tây do dự, Nga vào việc

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ANI/TTXVN
Ở Washington và Brussels, Afghanistan vẫn được nhìn nhận qua lăng kính của sự thất bại – một sự thoái lui, một thất bại và một sự xấu hổ dai dẳng. Về mặt chính thức, Taliban vẫn là lực lượng bị xa lánh. Về mặt không chính thức, các kênh hậu trường vẫn mở. Các nhà ngoại giao trao đổi, các cơ quan tình báo phối hợp. Nhưng không có quốc gia phương Tây nào dám thực hiện bước tiếp theo. Còn Nga thì vừa làm vậy.
Nhưng liệu điều này có thể gây ra lệnh trừng phạt mới từ Mỹ hoặc EU không?
Có thể, nhưng với việc Nga đã phải chịu một trong những chế độ trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử hiện đại, chi phí cho các hình phạt tiếp theo là không đáng kể, khi tất cả đã đạt đến giới hạn.
Thay vào đó, sự công nhận mang lại cho Moskva lợi thế đi trước, cả ở Kabul và trên khắp khu vực. Nga đang định hình thực tế trên thực địa. Họ làm như vậy không chỉ bằng khí đốt và súng, mà còn bằng ký ức: ở Trung Á, Nga vẫn có sức nặng với tư cách là người bảo đảm an ninh trước đây và là người ổn định hậu Xô Viết. Uy tín đó hiện đã quay trở lại bàn đàm phán.
Nga đã từng làm như vậy trước đây. Năm 1997, họ đã giúp chấm dứt một cuộc nội chiến tàn khốc ở Tajikistan bằng cách làm trung gian cho một thỏa thuận giữa các phe phái đối địch. Những nỗ lực đó vẫn được ghi nhớ ở Dushanbe, và chúng còn vang vọng cho đến ngày nay.
Căng thẳng giữa chính quyền Taliban và Tajikistan vẫn ở mức cao. Nhưng Nga, được cả hai bên tin tưởng và tham gia vào các cấu trúc an ninh khu vực, có vị thế độc nhất để làm trung gian. Điều tương tự cũng áp dụng cho mối quan hệ trắc trở giữa Afghanistan và Turkmenistan, nơi vẫn còn tồn tại các tranh chấp biên giới và sự ngờ vực chính trị.
Đây là nơi sự công nhận Taliban còn trở thành đòn bẩy. Moskva hiện có thể triệu tập, đề xuất và định hình các cuộc đàm phán mà những bên khác không thể. Trong khi các cường quốc phương Tây theo dõi từ xa, Nga đang biến Afghanistan từ một vấn đề toàn cầu thành một tiến trình khu vực.