Cái khó ló cái khôn

Đa phần sinh viên (SV) Đại học Huế đều đến từ miền Trung, có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nên, nhiều SV phải vừa học vừa làm để kiếm thu nhập trang trải tiền thuê trọ và chi phí sinh hoạt. Mỗi em chọn cho mình một việc làm thêm khác nhau, nhưng có một điểm chung là cố gắng học tập, rèn luyện tốt.

 Như Ý chú tâm học tập

Như Ý chú tâm học tập

Trần Thị Kim Ngân, SV năm 3, lớp Công tác xã hội K46, Khoa Xã hội học và Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đến từ miền đất Hải Lăng, Quảng Trị đầy nắng gió vào mùa khô, lũ lụt triền miền vào mùa mưa bão. Từ lúc nhận giấy báo trúng tuyển, nhập học, kèm theo các khoản thu và học phí, Ngân đã rất trăn trở vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, khó có thể tiếp bước ước mơ trên ghế giảng đường.

Trong “cái khó ló cái khôn”, Ngân nghĩ ngay đến chuyện vừa học vừa làm thêm để phụ giúp cha mẹ trang trải các khoản học phí, sinh hoạt, thuê nhà trọ, tiền ăn hằng ngày. Ngay từ ngày đầu đặt chân đến Huế, Ngân đã tìm những công việc phù hợp cho mình để làm kiếm thu nhập, phụ giúp cha mẹ.

Ngân tâm sự, gia đình em xuất thân từ nông dân, chủ yếu làm ruộng; sức khỏe của ba mẹ cũng không tốt, đau ốm liên miên. Đây chính là lý do cũng như động lực để Ngân vượt khó, vươn lên trong học tập và cuộc sống. May mắn, Ngân được nhận vào làm thêm tại một cửa hàng nhỏ chuyên bán về dụng cụ vẽ cho họa sĩ và văn phòng phẩm. Những lúc vắng khách, em có thể tranh thủ thời gian để làm các công việc cá nhân như hoàn thành bài tập nhóm của mình… Nhờ có việc làm thêm này, Ngân có thể trả chi phí tiền thuê trọ, tiền điện, nước, xăng xe, đỡ một phần lớn chi phí sinh hoạt mà ba mẹ em thường cho hàng tháng, trong khi kết quả học tập vẫn luôn đảm bảo và đạt thành tích tốt.

Còn một năm rưỡi nữa là Ngân hoàn thành chương trình học. Hiện tại, em đang cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt các kỹ năng cần thiết, có được tấm bằng tốt nghiệp. Sau đó, sẽ tìm kiếm các công việc tại các trung tâm, cơ sở liên quan đến việc hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ cho cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn.

Nguyễn Thị Như Ý, SV năm 2, lớp K47A, Khoa Kiến trúc Trường Đại học Khoa học, ĐHH cũng có hoàn cảnh tương tự. Dù có gia đình ở ngay quận Phú Xuân (Huế), nhưng Như Ý vẫn cố gắng làm thêm kiếm thu nhập để trang trải công việc học tập, đời sống, hạn chế phụ thuộc vào ba mẹ.

Như Ý tâm sự, em bắt đầu ý thức được việc phụ giúp gia đình các khoản chi phí học tập từ lúc còn học phổ thông. Dù vừa học vừa làm thêm nhưng Như Ý luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi mỗi năm học và khi vào giảng đường đại học vẫn là sinh viên đạt loại giỏi. Em luân phiên giữa việc học chuyên ngành và việc phát triển các kỹ năng mềm của bản thân ở các hoạt động công tác thiện nguyện, hay các chương trình của câu lạc bộ, đội nhóm của trường. Thời gian không có lịch học ở trường thì em sắp xếp lịch đi làm đều đặn. Đôi lúc đi làm thêm mang lại khá nhiều kỷ niệm thú vị, đáng học hỏi và cũng có nhiều áp lực về tâm lý, tinh thần.

Từ ngày có việc làm thêm, việc học tập của Như Ý đã trở nên dễ dàng hơn khi tự chi trả các khoản phí học tập và đồ dùng đi học. “Không vì làm thêm mà lơ là việc học, em liên tục có nhiều kết quả tốt cho môn chuyên ngành và nhận được học bổng tài năng của các nhà tài trợ liên quan”, Như Ý khoe.

Anh Lê Chí Hùng Cường, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Huế thông tin, việc sinh viên làm thêm khá phổ biến nhằm tăng thu nhập, hỗ trợ gia đình và rèn luyện kỹ năng sống. Hoạt động này mang lại nhiều lợi ích như rèn luyện kỹ năng mềm, giảm gánh nặng tài chính và mở rộng mối quan hệ, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro như thiếu thời gian học tập, áp lực công việc và môi trường làm việc không an toàn. Để tránh những tác động tiêu cực, Hội Sinh viên Đại học Huế khuyến nghị các bạn luôn ưu tiên việc học, chọn công việc phù hợp với ngành học, quản lý thời gian hiệu quả và quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Từ đó, sinh viên vừa đảm bảo kết quả học tập, vừa tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ công việc trong tương lai.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/cai-kho-lo-cai-khon-151050.html