Cái khó ló... sáng kiến

Từ năm 2021 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong đó có 117 sáng kiến của tuổi trẻ. Vừa qua, các cá nhân của Quân đoàn vinh dự được Hội đồng Giải thưởng 'Tuổi trẻ sáng tạo' trong quân đội tặng 3 giải thưởng 'Tuổi trẻ sáng tạo'.

Trong 5 sáng kiến gửi tham gia xét Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong quân đội của Quân đoàn 3 có 2 sáng kiến đạt giải ba, 1 sáng kiến đạt giải khuyến khích. Điều đặc biệt là những sáng kiến này đã được áp dụng hiệu quả vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, giúp giảm sức người, giảm thời gian và tiết kiệm chi phí trong vận hành cũng như quản lý phương tiện.

Đại úy Hoàng Văn Thanh-Trợ lý Kỹ thuật Phòng Kỹ thuật (Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273) được giao nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho các phương tiện, trang-thiết bị trong đơn vị. Qua thực tế công tác, anh nhận thấy việc hiệu chỉnh súng, pháo 100 trên xe tăng T54 còn nhiều nhược điểm. Cụ thể, cán bộ, chiến sĩ phải tháo kim hỏa, sau đó đứng trong máng pháo ngắm qua lỗ kim hỏa đến chữ thập đầu nòng pháo và điểm ngắm trên bia rồi hiệu chỉnh. Điều này có nhiều hạn chế do không gian trong máng pháo chật hẹp, tư thế của người đứng rất khó khăn, thân người và tay rất dễ va chạm vào máng pháo làm cho pháo bị dao động; mắt nhìn qua lỗ kim hỏa cũng rất khó khăn dẫn đến việc hiệu chỉnh có độ chính xác không cao. Cùng với đó, khi hiệu chỉnh xong phải dùng đạn để bắn kiểm tra nên tốn chi phí và thời gian.

Nhận rõ những nhược điểm đó, qua quá trình tìm tòi nghiên cứu, Đại úy Thanh đã có sáng kiến “Thiết bị hiệu chỉnh súng, pháo 100 trên xe tăng T54”. Đó là một hộp thiết bị gồm ống ngắm, ống dẫn nhìn cố định mắt người được chế tạo gọn, nhẹ. Khi hiệu chỉnh súng và pháo, cán bộ, chiến sĩ chỉ cần nhìn qua tâm vỏ đạn đã qua sử dụng gắn trên thiết bị hiệu chỉnh sẽ lấy được tâm nòng pháo và có đường ngắm cơ bản, sau đó đưa đường ngắm cơ bản đến điểm ngắm xa (mục tiêu). Thêm công đoạn hiệu chỉnh kính theo pháo và súng theo kính là cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành quá trình hiệu chỉnh súng, pháo. Nếu như trước đây, việc hiệu chỉnh súng, pháo cần đến 3-4 người thì nay chỉ cần 1-2 người là hoàn thành, thời gian cũng giảm đi một nửa.

Đại úy Hoàng Văn Thanh hướng dẫn đồng đội cách sử dụng thiết bị hiệu chỉnh súng, pháo 100 trên xe tăng T54. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đại úy Hoàng Văn Thanh hướng dẫn đồng đội cách sử dụng thiết bị hiệu chỉnh súng, pháo 100 trên xe tăng T54. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Thanh cho biết: Thiết bị hiệu chỉnh súng, pháo 100 trên xe tăng T54 khá đơn giản, chi phí chế tạo khoảng 300 ngàn đồng nhưng mang lại hiệu quả cao, có thể áp dụng cho các đơn vị trong toàn quân. Ưu điểm của thiết bị này là tiết kiệm thời gian, công sức, đảm bảo hiệu chỉnh nhanh, đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Nhờ đó, sáng kiến này được Hội đồng Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân trao giải ba.

Tương tự, sáng kiến “Thiết bị báo kết quả ném lựu đạn thật” của Đại úy Lê Văn Hiền-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 28, Sư đoàn 10) cũng mang lại hiệu quả rất cao. Lâu nay, các đơn vị khi huấn luyện và kiểm tra ném lựu đạn thật đa phần sử dụng bộ đội ở gần khu vực mục tiêu để quan sát kết quả. Phương pháp này có nguy cơ mất an toàn và báo kết quả nhiều lúc không chính xác nên việc đánh giá rút kinh nghiệm cho người huấn luyện không sát thực tế. Sáng kiến của Đại úy Hiền sử dụng 2 camera không dây đặt ở vị trí mục tiêu và vị trí ném, dụng cụ phát wifi và đầu thu camera để quan sát. Hành động dẫn ném và diễn biến hiện trường sẽ truyền trực tiếp qua màn hình ti vi, máy tính hoặc điện thoại được kết nối internet, người báo kết quả chỉ cần quan sát trên màn hình thiết bị.

Việc áp dụng sáng kiến này vừa giúp báo kết quả ném lựu đạn chính xác, vừa đảm bảo an toàn. Cùng với đó, chỉ huy đơn vị có thể quan sát diễn biến của hoạt động kiểm tra để đưa ra những chỉ đạo kịp thời. “Áp dụng công nghệ 4.0 vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị vũ trang. Chính vì thế, bản thân tôi đã nghiên cứu, tìm tòi để cho ra đời sáng kiến này. Tôi rất tự hào vì sáng kiến của mình đã đạt giải ba toàn quân. Đây là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu cho ra đời những sáng kiến tiếp theo”-Đại úy Hiền chia sẻ.

Trao đổi với P.V, Đại tá Nguyễn Thanh Phong-Phó Chính ủy Quân đoàn 3-cho biết: Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đoàn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Những sáng kiến này không chỉ được áp dụng trong các đơn vị của Quân đoàn mà còn có thể áp dụng trong toàn quân. Thời gian tới, Quân đoàn tiếp tục phát động phong trào này để có nhiều sáng kiến ra đời phục vụ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

VĨNH HOÀNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12404/202206/cai-kho-lo-sang-kien-5780437/